vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Friday 28 October 2016

Vài nét về typoem


Typoem 
Typoem có thể được hiểu là sự kết hợp giữa thơ (poem) với nghệ thuật đồ họa chữ (typography hay viết tắt là typo), trong đó câu chữ và  hình ảnh đóng vai trò ngang nhau trong quá trình sáng tác và sự biểu hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nó khác với việc dùng hình vẽ để minh họa cho tác phẩm thơ, vì lúc này khi nhìn vào tác phẩm ta có thể thấy câu chữ và hình ảnh tách rời nhau, thơ được nhà thơ sáng tác trước sau đó họa sĩ mới vẽ hình để minh họa bên cạnh. Còn với typoem, có thể nói chữ lồng trong hình ảnh, có khi chính chữ tạo nên hình ảnh, hoặc hình ảnh tạo nên chữ. Trong quá trình sáng tác lẫn quá trình cảm thụ thì cả tác giả lẫn người thưởng thức vừa tư duy ngôn ngữ và tư duy thị giác đồng thời.

Bản thân chữ typoem là do tôi tự nghĩ ra. Nó có thể coi là đồng nghĩa với thuật ngữ thường được dùng là visual poetry. Nó cũng có một lịch sử phát triển lâu dài đấy nhé. Chúng ta cùng điểm qua nào.
Lịch sử phát triển của Visual poetry
Theo wiki định nghĩa thì visual poetry là thể loại nghệ thuật mà trong đó sự sắp đặt thị giác của chữ, hình ảnh và biểu tượng là quan trọng trong việc truyền tải dụng ý của tác phẩm.
Nói đến Visual poetry là nói đến một lịch sử lâu dài của thể loại thơ này, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại cho tới thời đại kĩ thuật số ngày nay.
1/ Pattern & Altar Poetry
Loại hình thơ đặc biệt này khởi sinh ở Hy Lạp cổ đại vào thế kỉ thứ 4 trước công nguyên (với tên gọi là Pattern poetry), và xuất hiện tại Ba Tư vào thế kỉ thứ 5 sau công nguyên (với tên gọi là Altar poetry). Pattern poetry thì thể hiện sự chuyển động trong các vần thơ, còn Altar poetry thì thể hiện hình dạng  của chủ thể mà bài thơ nói đến.

Greek Pattern poem by Rhodes
Greek Pattern poem by Rhodes

Altar poetry lại được phát hiện trong thời kì Phục hưng với các nhà thơ như là George Wither, George Herbert, and Robert Herrick. Đến cuối thời Phục hưng thì người ta thấy xuất hiện cả hai loại hình thơ này và chúng có khi còn được dùng để gọi thay thế lẫn cho nhau.

George Herbert's
George Herbert’s “Easter Wings”, printed in 1633 on two facing pages (one stanza per page), sideways, so that the lines would call to mind birds flying up with outstretched wings.

2/Concrete Poetry
Đến thế kỉ 20 xuất hiện sự kết hợp giữa Altar poetry và Pattern poetry thành một thể loại mới là Concrete poetry, do ảnh hưởng bởi phong trào nghệ thuật siêu thực, nghệ thuật vị lai và nghệ thuật Dada. Concrete poetry có mục đích biểu thị những từ ngữ và hình ảnh như là sự phản ánh đa chiều và xác thực thế giới bên trong của tác giả.
Các nhà thơ hiện đại trong thể loại này có thể kể đến Guillaume Apollinaire, Dylan Thomas, Francois Rabelais, Max Bill and Eugen Gomringer.

Guillaume Apollinaire concrete poem
Guillaume Apollinaire’s concrete poem
Eugen Gomringer's concrete poem
Eugen Gomringer’s concrete poem

3/ Visual poetry với nhiều thể loại vô cùng đa dạng
Concrete poetry ngày cảng phát triển đa dạng hơn, với nhiều biến thể khác nhau:
Emergent poetry: mật mã kết hợp với chữ cái
Semiotic poetry: kết hợp biểu tượng với hình ảnh
Kinetic poetry: biểu hiện chuyển động đồ họa chữ bằng cách kéo hay ép các chữ cái
Các nhà thơ tiêu biểu: Pierre Albert-Birot, Simon Cutts, Stuart Mills, Ian Hamilton Finlay, v.v.
Cùng với sự phát triển của xã hội, visual poetry đã chịu nhiều ảnh hưởng từ pop culture và nghệ thuật trừu tượng, cũng như là sự phổ biến của quảng cáo và truyền thông đại chúng. Chúng ta có thể thấy nhiều sản phẩm tương tự như là visual poetry trong các ấn phẩm quảng cáo và truyền thông ngày nay, bởi sản phẩm quảng cáo chính là sự vận dụng kết hợp giữa từ ngữ (word) và hình ảnh (image) để truyền tải một ý nghĩa súc tích ngắn gọn tới đối tượng công chúng. Chính thời gian học và làm việc trong ngành quảng cáo đã đem đến cho tôi hứng thú tìm hiểu loại hình nghệ thuật thơ đặc sắc này. Tôi vẫn nhớ những ngày say mê mò mẫm tìm đọc các sách về chủ đề này trong thư viện trường khi còn ở Anh, wow lúc đó thật sự là thiên đường.
Công nghệ phát triển cũng tạo đà cho sự bùng nổ sáng tạo trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế truyền thông. Ngày nay tại Việt Nam typography đã ngày càng thịnh hành và gần gũi hơn, xuất hiện trên khắp các ấn phẩm mà chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế tôi khá thích tên gọi mới typoemgraphy (hay typoem) dành cho visual poetry trong giai đoạn hiện nay. Nó kết nối những loại hình nghệ thuật khác nhau là văn học với thiết kế đồ họa và minh họa, đem đến cho độc giả một cách thức thưởng thức mới lạ. Các hình thức thơ văn nghệ thuật này khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng vẫn còn rất thiếu ở Việt Nam. Tập thơ typoem mà tôi mới hoàn thành “Giữa trời và đất là tình yêu” – tác phẩm visual poetry đầu tiên bằng tiếng Việt- hi vọng sẽ đóng góp phần nào cho xu hướng phát triển những xuất bản phẩm sáng tạo trên thị trường Việt Nam.

0 nhận xét:

Post a Comment