vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Wednesday 15 August 2012

Một năm trong ngành quảng cáo

 My crazy lovely team

Thế là tròn 1 năm kể từ ngày mình bước chân vào cái ngành công nghiệp này. Đúng là một cuộc phiêu lưu thú vị. Nhìn lại 1 năm, mình cảm thấy đã học được rất rất nhiều thứ và đã thay đổi khá nhiều so với trước đây (dĩ nhiên theo hướng tốt, cơ mà mình vẫn thích mô tả là "good girl gone bad" hehe). Hôm nay quyết tâm ngồi viết hết ra là "good girl" đã "gone bad" như thế nào và đã học được những gì nhé.

Bão não và Tư duy phân kì
Cái vụ Bão não biến thành Bại não thì mình gặp phải quá nhiều luôn. Trong một công ty quảng cáo, việc bão não (brainstorm) cho dự án mới lúc nào cũng có thể xảy ra, bất cứ khi nào sếp bạn yêu cầu. Các bạn sẽ ngồi vào phòng họp, đánh ba cây, nhai bim bim  rồn rột, cười phớ lớ với nhau và bão não ý tưởng mới. Haha, đấy chỉ là hôm sếp đi vắng thôi. Nhớ có hôm sếp đi vắng, cả lũ ngồi trong phòng họp  vừa xem bóng đá, vừa ăn bim bim, vừa brainstorming ý tưởng mới. Mình chả khoái bóng bánh lắm nhưng xem mấy ông kia hò hét cũng vui, vừa hét vừa chửi vừa đập bàn chứ, người ở ngoài đi qua ngó ngó nghiêng nghiêng cứ tưởng cái bọn này nó đấm nhau trong văn phòng =))  Ối giời thế mà cũng brainstorm ra được ối thứ, mang đi pitching lại được trúng thầu cơ đấy : ))
Dĩ nhiên mọi thứ không dễ dàng như thế. Để nghĩ ra được một thứ mà client chấp nhận là cả một quá trình ép não, dẫn tới tình trạng mà y học gọi nôm na là "bại não", với triệu chứng là cười nhiều, hay nghĩ ra đủ trò nghịch phá để trêu chọc đồng nghiệp, kết quả là cả một lũ bại não ngồi cười với nhau cả ngày.
Đấy, tự dưng lại lạc đề thì phải, thế đang nói về Tư duy phân kì phải ko. Ừ đấy là cách tư duy mà mình học được ở đây. Tư duy phân kì là cách để có thể suy nghĩ theo nhiều hướng cùng lúc mà ko phải theo một đường thẳng logic, có khi cùng một lúc nghĩ ra nhiều thứ chẳng liên quan gì tới nhau, (cho nên đôi khi đang nói đến chuyện này có thể nhảy sang chuyện khác chẳng liên quan gì ngay được). Cách tư duy này giúp phát triển ý tưởng theo kiểu 360 độ và cho ta nhiều options hơn cho một đề bài cần giải.

Tiêu chí, tiêu chí và tiêu chí.
Một điều quan trọng mình học được đó là "làm gì cũng phải có tiêu chí đánh giá kết quả". Không bao giờ được phản biện một điều gì đó theo cảm tính của mình, đừng bao giờ nói với sếp là vì "em thích cái này", "em thích cái kia". Bởi khách hàng mới là người chọn, ý thích của em chả có nghĩa lý gì. Sản phẩm truyền thông này ko dành cho em mà là cho target audience cơ. Cho nên khi đánh giá một sản phẩm truyền thông có hiệu quả hay ko, phải căn cứ vào tiêu chí đề ra ban đầu, được lập ra trên cơ sở nghiên cứu đối tượng truyền thông mục tiêu. 

Hiểu insight
Như vừa nói thì mọi thứ phải căn cứ vào target audience, hay cụ thể là insight của họ, tức là tâm tư nguyện vọng sâu xa, mong muốn, ý định, ước mơ...tức là phải hiểu họ là kiểu người, tuýp người thế nào. Thành ra làm cái nghề này, mình cũng bắt đầu quan tâm sâu sắc hơn và thích phân tích insight của những người mình quen trong cuộc sống đời thường. Hiểu được insight của một người rất thú vị, mình cũng tìm đọc nhiều sách hơn về tâm lý học nữa. Thật sự là rất hay.

Bán chữ kiếm tiền, vắt óc kiếm tình
Nhiều lúc ra ngoài, người ta hỏi mình làm gì rồi, chả bao giờ mình nói là làm copywriter. HÌnh như hồi đầu có nói, nhưng chẳng ai hiểu copywriter là cái nghề khỉ gió gì, cho nên là thôi mình chả nói cụ thể thế nữa. Thôi thì mô tả cái nghề của mình nó thế này vậy "Bán chữ kiếm tiền, vắt óc kiềm tình, có tình mới ra chữ, mà có chữ mới có tiền." Thế đấy, làm nghề này, lúc nào cũng phải thổi hồn vào câu chữ, viết ra bao điều bay bổng, đẹp đẽ, yêu thương, lắm lúc ngồi nghếch mặt lên ngắm giời qua cửa sổ nghĩ mấy tagline với headline mà cứ cảm giác như đang bồng bềnh trong đống chữ của chính mình. Hic. Cho nên là công việc đòi hỏi một copywriter phải là người có cảm xúc dạt dào, bay bổng, tâm hồn lúc nào cũng phải rạng rỡ chói lói như nắng mùa hè. May mà mình cũng là kiểu người như thế, ko thì chắc bị đá đít khỏi nghề lâu rồi. Cơ mà có phải lúc nào cũng có cảm xúc dạt dào thế đâu. Nhiều lúc thấy đời như shit, rặn mãi ko ra câu chữ nào hay ho. Lúc đấy đúng là vắt óc kiếm tình thật đấy, đến là bại não. Thành ra mình học được cách là lúc nào cũng phải nghĩ ra trò gì mới lạ để làm mới cảm xúc của bản thân, trò gì cũng được, điên cũng được, nhg mà phải thú vị. Cho nên tâm trạng lúc nào cũng như con tắc kè hoa, lúc mưa lúc nắng. Chẹp, có gọi là bệnh nghề nghiệp được ko nhỉ?

Làm việc phải có tâm
Sếp mình từng có lần mắng tụi mình như thế này (bởi vì hôm đấy mấy anh em ham vui quá quên nhiệm vụ)
“Làm cái nghề này các em không được phép dễ dãi với bản thân mình, không được phép hời hợt với mọi việc mình làm dù là nhỏ nhất, không được ngừng cập nhật, học hỏi, làm mới tư tưởng và suy nghĩ, tại làm sao các em có thể chấp nhận được việc một ngày không học được điều gì đó mới mẻ mà vẫn cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn được?”.
Từ hồi làm cái dự án truyền thông xã hội của cty, mình càng cảm thấy là trước đây mình vô tâm với cuộc sống như thế nào. Giờ mình sống có tâm hơn rồi, trong từng thứ nhỏ nhất. Ý mình nói là "có tâm" thực sự ấy.
Phải có tâm trong từng thứ nhỏ nhất: một dấu chấm, dấu phẩy, từng chữ cái một, hay là từng đường nét một trong bản thiết kế. Chị Hương giáo viên ở Arena đã từng dạy mình "Thật ra sự chuyên nghiệp được đánh giá qua những thứ nhỏ nhỏ như thế, không phải là cái gì lớn lao." Mình nhớ mãi. 
Phát hiện lỗ hổng
Điều quan trọng nhất trong sự học, đó là phát hiện ra những thiết sót của bản thân, phát hiện ra được rằng mình phải học gì tiếp tục. Vì sự học là ko ngừng mà. Trong cuốn "Made to stick", tác giả có đưa ra lý thuyết về lỗ hổng trong việc dẫn dắt một câu chuyện: tức là bạn đưa ra cho người nghe một lỗ hổng trong tri thức của họ, điều đó sẽ khiến họ tò mò và dễ bị lôi cuốn vào câu chuyện của bạn hơn. Và thật sự việc phát hiện ra lỗ hổng trong khả năng của bản thân khiến mình cảm thấy hứng thú hơn, cảm thấy còn nhiều điều lý thú phải học hỏi, và cuộc đời thật đáng sống :D.
Và những thứ mình muốn học tiếp sẽ là: 
- Ngôn ngữ truyền thông: gồm hình ảnh và câu chữ (tức là visual language và linguistic), học kiến thức academic luôn ấy (vì hồi học đại học mình ko học chuyên ngành này nên giờ thấy thiếu thốn kiến thức quá huhu).
- Interpersonal skill: cái này tối quan trọng với một người làm nghề truyền thông, vậy mà mình vẫn còn rất kém khoản này.

Và cái được lớn nhất của mình có lẽ là về mặt tình cảm: được sống trong môi trường làm việc tuyệt vời: tự do, vui vẻ, sáng tạo, nhân văn. Thật sự cảm thấy may mắn vì gặp được những người anh, người chị, người bạn, người thầy như vậy. Có lẽ chính nhờ điều đó mà mình vẫn giữ được "lòng son, hồn say" như mình vốn có, mà ko bị chai sạn và bào mòn đi bởi cơm áo gạo tiền như cuộc đời khắc nghiệt ngoài kia đang làm với những bạn bè đồng trang lứa của mình. Thank you, God.

0 nhận xét:

Post a Comment