vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Monday 29 May 2017

Một ghi chép về đức tin của Lam

Jacob's ladder , 1806 by William Blake, British Museum in London, England.

Mặc dù là một người khao khát đức tin, và có niềm hứng thú lớn đối với Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo, nhưng tôi chưa hề cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn với một tôn giáo nào cả. Trong hành trình sống mới còn ngắn ngủi của mình, tôi luôn cố gắng đọc hiểu các trường phái, triết lý và tự nghiệm vào cuôc sống cá nhân của mình, các mối quan hệ, các trải nghiệm và biến cố... hòng tìm ra được câu trả lời cho những nghi vấn của mình về ý nghĩa của cuộc hiện sinh này - những vướng mắc vẫn luôn giăng lên trên bầu trời tâm tư của tôi từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi không rõ nên coi nó là một gánh nặng tự thân hay là một nguồn cảm hứng sống nữa. Nhưng có lúc nó là cái này, có lúc nó là cái kia, và mang đến cho tôi cả ánh sáng lẫn sự trĩu nặng.
Tự dưng tôi nghĩ rằng mình cần phải ghi chép lại chi tiết đức tin của mình cho tới thời điểm hiện tại (vì nó còn có thể thay đổi trong tương lai) và coi như là đánh một dấu mốc tâm tưởng cho bản thân. 


Tôi tin là có Đấng Sáng Tạo nhưng quyền năng của Ngài không vô hạn.      

Tôi cho là Ngài sáng tạo ra vũ trụ tự nhiên và làn sóng ý thức của con người, nhưng ngài không thể quyết định số phận của con người (thuyết Spinoza) vì con người có tự do ý chí và có một sự tồn tại của Hỗn độn và Bất định trong quá trình vật chất tương tác với ý thức (thuyết Hỗn độn).

Phật Giáo phủ nhận sự tồn tại của Chúa như là một thực thể độc lập sáng tạo ra tất cả vì theo thuyết tương liên của Phật Giáo thì mọi thực tại đều phải có một nguyên nhân khởi sinh ra nó, mọi phải tương thuộc lẫn nhau, và sự xuất hiện một vị Chúa như vậy là không chấp nhận được.  Nhưng Phật Giáo lại đồng thời công nhận rằng vũ trụ vật chất và làn sóng ý thức tồn tại một cách tự nhiên trong một vũ trụ không có khởi đầu. Thế thì, vũ trụ vật chất đó ở đâu sinh ra, và làn sóng ý thức ở đâu sinh ra? Có lời giải thích nào cho trật tự vận hành nội tại hài hòa đến hoàn mỹ của Tạo hóa như chúng ta vẫn biết? Tôi đã không tìm được cách giải thích nào khác ngoài một Đấng Sáng Tạo độc lập, tự hữu và không cần một nguyên nhân nào (tuy rằng Ngài không toàn năng).

Để làm rõ cái không toàn năng ấy, tôi sẽ điểm lại lần lượt niềm tin của mình ở từng điểm.

Trước hết là tự do ý chí của con người. Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng con người có tự do ý chí và tham gia vào sáng tạo vũ trụ (thuyết vị nhân). Bị thuyết phục bởi các nhà hiện sinh nổi tiếng trong lịch sử, cũng như luôn mang một niềm tự hào không che giấu về sự tự chủ của mình, tôi tin tưởng tuyệt đối vào tự do ý chí của con người.

Thứ hai, con người cộng sinh với vũ trụ vật chất và không thể tồn tại độc lập (duyên khởi). Sự điều chỉnh lẫn nhau và tương thuộc giữa hai bên là điều kiện để chúng tồn tại. Con người đón nhận làn sóng ý thức từ Đấng sáng tạo và tiếp nhận các năng lượng từ các vì sao vào trong các thực tại vật chất và ý thức của mình (nature) và chịu tác động từ sự hỗn độn của đời sống môi trường (nurture) để làm nên cuộc hiện sinh của mình.

Thứ ba là Sự hỗn độn và bất định (vô thường): Heisenberg đã chứng minh được rằng các hạt nguyên tử luôn có sự bất định về vị trí và tốc độ chuyển động, không thể biết trước được, do đó đã tồn tại tính vô thường ngay từ trong dạng vật chất nhỏ bé nhất của thế giới.

Vậy tại sao con người chịu tác động của Vô thường? Bởi vì Tính Không: sự vật không có giá trị tự thân mà giá trị nó phụ thuộc vào chủ thể quan sát, giải thích qua cơ học lượng tử: hạt vật chất hay hạt ánh sáng có hai mặt bổ sung cho nhau phụ thuộc vào dụng cụ đo nó, nên vật quan sát và người quan sát tương thuộc lẫn nhau). Ngay cả quan điểm “bản chất có sau hiện sinh” của các nhà hiện sinh chủ nghĩa cũng đã thể hiện tính Không của con người: con người không có một bản chất cố định được lập trình sẵn (kế cả khi anh ta đón nhận làn sóng ý thức từ Chúa và năng lượng của các vì sao theo chiêm tinh học), mà cái bản chất đó sẽ liên tục thay đổi theo thời gian, và do đó càng khẳng định tính tự do của con người.

Như vậy, ở những điểm này tôi lại đồng tình với quan điểm Phật Giáo về sự tự do định đoạt của con người vượt qua sức mạnh của Chúa Toàn Năng, bởi nó có một mối tương quan đầy thuyết phục với ánh sáng của khoa học.

0 nhận xét:

Post a Comment