vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Thursday 15 June 2017

Chân dung những nhà thiết kế đã tạo dựng nên huyền thoại B&O

Sau hơn 90 năm phát triển, thương hiệu nghe nhìn cao cấp B&O của Đan Mạch thậm chí đã vươn xa hơn những gì mà hai nhà sáng lập Peter Bang và Svend Olufsen từng kì vọng. Với những thiết kế đã trở thành huyền thoại, B&O từ lâu đã là một biểu tượng của chất lượng, tự xác định một phong cách riêng không thể nhầm lẫn với tư duy thiết kế đột phá và có tính định hướng thị trường. Sự trường tồn của thương hiệu danh giá này không thể thiếu sự đóng góp của thế hệ các nhà thiết kế tài ba cũng như câu chuyện họ đã và đang từng ngày viết tiếp.


Jacob Jensen
Nhà thiết kế Jacob Jensen (1926-2015)


Jacob Jensen là một trong những nhà thiết kế gạo cội đã đóng góp số lượng sản phẩm nhiều nhất cho B&O với hơn 100 mẫu thiết kế đỉnh cao, trong đó nổi bật có Beolit 600 (1970), Beogram 4000 (1972) và Beocenter (1986). Ông đã đạt nhiều giải thưởng danh giá gồm có giải thưởng IDSA (1978); huân chương Thorvald Bindesbøll (1983); giải thưởng thiết kế quốc tế Osaka (1985,1986,1989), giải ID Classics (1990)
Với kinh nghiệm phong phú cả về thực hành lẫn giảng dạy trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm công nghiêp tại Đan Mạch và Mỹ, ở ông hội tụ đầy đủ năng lực tư duy về kiểu dáng và cấu trúc cho tới kiến thức chuyên sâu về mặt kỹ thuật.
Máy ghi âm Beogram 4000 do Jacob Jensen thiết kế (1972-1974)
Dàn âm thanh Beocenter 9000 do Jacob Jensen thiết kế (1986-1990)


Jensen cũng chính là người đã góp phần định hình nên triết lý nền tảng của những sản phẩm gắn mác B&O danh tiếng. Đó là những sản phẩm mang đặc trưng Đan Mạch, với triết lý kết hợp hài hòa giữa chất lượng âm thanh với thiết kế tối giản nhấn mạnh tới kiểu dáng tinh tế và chất liệu cao cấp. Không chỉ là một sản phẩm nghe nhìn, với Jensen, mỗi tạo tác của B&O mang đậm cái hồn của những con người Scandinavian với lối sống hài hòa và cân bằng. Mỗi dàn âm thanh hay tivi đồng thời là một món đồ nội thất hoàn hảo cho mọi không gian gia đình. Mỗi chiếc tai nghe, loa di động hay bất cứ sản phẩm cá nhân nào khác cũng đồng thời là một món phụ kiện đúng điệu hoàn thiện phong cách của người dùng. Jensen tự thú nhận rằng mình chưa bao giờ thật sự nghỉ hưu vì ông nghĩ rằng sáng tạo là một hành trình vô hạn.


David Lewis
Nhà thiết kế David Lewis (1939-2001)


David Lewis là nhà thiết kế thuộc thế hệ nối tiếp Jacob Jensen và đã góp phần kế thừa thành công di sản thiết kế của B&O. Khi bày tỏ quan điểm về công nghệ, ông đã chia sẻ rằng: “Khi chúng ta càng bớt làm mọi thứ phức tạp, thì mọi người sẽ càng thấy nó thú vị hơn. Hãy đơn giản hóa những rắc rối mà công nghệ mang lại. Hãy quay về với những ý tưởng cốt lõi. Hãy làm theo cách của B&O”.
Thậm chí, Lewis còn nâng tầm triết lý cốt lõi ấy và phát triển nó thành một quy trình thiết kế riêng của B&O, trong đó thiết kế được đề cao hơn các yếu tố về công nghệ và kinh doanh. Đúng như cốt cách Ăng-lê đầy tự hào của mình, Lewis tin rằng chính những thiết kế của B&O sẽ định hướng thị trường, chứ không chạy theo vòng xoáy cạnh tranh liên tục về mặt công nghệ như những tên tuổi khác. Theo ông, sản phẩm phải mang lại cho người dùng trải nghiệm thực sự làm chủ công nghệ, chứ không phải lệ thuộc vào nó. Chính quan điểm tập trung vào yếu tố cốt lõi và bản sắc riêng đó đã tạo nên những thiết kế kinh điển không thể bị phai mờ theo năm tháng.
BeoLab 4000 do David Lewis thiết kế (1997 - nay)
Máy chạy đĩa với 6 CD player do David Lewis thiết kế (1996-nay)


Sinh ra và theo học thiết kế tại Anh nhưng đã có 35 năm sống và làm việc tại Đan Mạch, Lewis đã được trao danh hiệu Hoàng gia “Royal Designer for Industry” vì những cống hiến cho ngành thiết kế. Đóng góp của ông cho B&O phần lớn là các sản phẩm nghe nhìn dành cho nhà ở, đặc biệt phải kể đến các tuyệt tác BeoLab 4000, Beovision 400, Beosystem 2500, Beosound century, và nhiều sản phẩm khác.


Cecilie Manz
Nhà thiết kế Cecilie Manz (SN 1972)
Cecilie Manz là gương mặt trẻ nổi bật đồng hành cùng B&O thời hiện đại. Các sản phẩm đặc sắc mà cô thiết kế cho B&O phải kể đến Beo Play A1 và Beo Play A2, thuộc dòng sản phẩm cá nhân B&O Play đáp ứng lối sống năng động và xu hướng gia tăng trải nghiệm của người dùng. Kế thừa tinh hoa lâu đời của B&O, thiết kế của cô thể hiện được sự hài hòa tổng thể về mặt tính năng và kiểu dáng và giữ được giá trị cốt lõi mà B&O vẫn theo đuổi: đó là thiết kế hướng tới người dùng với chất lượng âm thanh đặc trưng hoàn hảo. Cô chia sẻ: “Tôi xem mỗi thiết kế của mình là một mảnh ghép của một câu chuyện dài luôn tiếp diễn, trong đó các sản phẩm liên quan tới nhau về mặt ý tưởng, thẩm mỹ, hay chất liệu”. Đối với cô, chất lượng và tính chức năng là mục đích, còn thiết kế phải là công cụ để tôn vinh và đạt đến mục đích đó. Tinh thần đậm chất B&O đã được thể hiện hoàn hảo qua phong cách đơn giản mà tinh tế trong các tác phẩm của cô.


Loa di động Beo Play A2 do Cecilie Manz thiết kế
Loa di động Beo Play A1 do Cecilie Manz thiết kế


Đáp ứng tính truyền thống, nhưng đồng thời lại tràn đầy cảm hứng đương đại là những điểm nổi trội khiến các sản phẩm của cô luôn được khách hàng yêu thích. Khi Manz vinh dự nhận giải thưởng Văn hóa của vợ chồng thái tử Đan Mạch, thái tử Frederik đã bày tỏ: “Điều hấp dẫn ở các thiết kế của Manz là ở chỗ, cho dù chủng loại thiết kế của cô ấy đa dạng ra sao thì tất cả vẫn mang một nét rất riêng, đó là các thiết kế gợi được liên tưởng về lịch sử truyền thống nhưng đồng thời lại phản ánh hơi thở của hiện tại”.
Các giải thưởng khác cô đạt được gồm có Giải thưởng thiết kế Đan Mạch (2004, 2008); giải thưởng thiết kế sản phẩm iF, giải thưởng Finn Juhl (2007).


Hành trình thành công của B&O có lẽ sẽ không thể thiếu được sự đóng góp của các nhà thiết kế tài năng ấy. Giữ vững giá trị cốt lõi, đồng thời đem giá trị đó hòa cùng dòng chảy của thời gian và nhịp điệu đương đại, B&O hứa hẹn sẽ tiếp tục là mảnh đất lành giúp nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhiều hơn nữa những nhà thiết kế của tương lai, những người sẽ kể tiếp câu chuyện về huyền thoại B&O danh tiếng.

0 nhận xét:

Post a Comment