vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Wednesday, 15 February 2012

[St] Kiến thức nền cho viết kịch bản (tiếp theo và hết)

SOẠN THẢO VÀ TRÌNH BÀY KỊCH BẢN
Các bạn thân mến!
Hoan nghênh các bạn đã đi cùng với chúng tôi qua phần nhập môn ( số 1 ), các bạn đã phần nào nắm bắt được những vấn đề cơ bản phải quan tâm khi bắt tay vào viết một kịch bản điện ảnh như: Xung đột, thực tế và ý tưởng, thực và giả, nắm vững ngôn ngữ điện ảnh, tư tưởng, thời gian… Bây giờ, các bạn đã sẵn sàng ngồi vào bàn viết để bắt đầu những dòng đầu tiên kịch bản của mình.

Song, chắc chắn các bạn sẽ phải đối đầu với một vấn đề mới phát sinh: Cần phải trình bày kịch bản đó dưới một hình thức nào đây? Viết theo lối truyện hay sân khấu. Rút cục, ở phòng biên tập của Hãng Phim Giải Phóng, chúng tôi đã nhận rất nhiều kịch bản được viết dưới hình thức khác nhau tùy theo sự ngẫu hứng của tác giả. Thực ra, những sự ngẫu hứng đó đều không đúng. Bởi, người viết chưa có một nhận thức rõ rệt, một thái độ xác đáng về cái gọi là
kịch bản điện ảnh. Người ta chưa hề xem nó là một sáng tác có nhan sắc riêng như trong lịch sử đã có sự tồn tại song song giữa kịch bản Death Of A Salesman ( Cái Chết Của Người Chào Hàng ) của kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller được in thành sách như là một tác phẩm văn học ( văn học sân khấu ) và một bên là vở diễn được dựng theo kịch bản đó trên sân khấu Broadway (Mỹ).

Đối với các nước có nền điện ảnh tiên tiến, sự chuyên môn hóa yêu cầu các nhà biên kịch phải có những kịch bản mang tính chuyên nghiệp cao. Và từ đây, đã hình thành và xuất hiện những phương cách viết kịch bản điện ảnh khác nhau tức những sự soạn thảo và trình bày văn bản khác nhau. Bây giờ, chúng ta hãy thử nghiên cứu những hình thức kịch bản khác nhau đó trải qua quá trình lịch sử giao tiếp của điện ảnh Việt Nam với những nền điện ảnh tiên tiến khác mà chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng ( ít ra là ở khâu đào tạo ).

Những sự trình bày các hình thức kịch bản dưới đây hoàn toàn không có ý đánh giá mức độ cao thấp, hơn thua mà chỉ thuần túy là công việc nghiên cứu, giới thiệu nhằm mang lại cho các bạn một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn qua đó sẽ củng cố cho mình sự quyết định cần phải
soạn thảo và trình bày kịch bản theo cách nào là thỏa đáng nhất.

2.1 SOẠN THẢO VÀ TRÌNH BÀY KỊCH BẢN THEO LỐI NGA

Mời các bạn tham khảo trích đoạn kịch bản BÀI THƠ BIỂN của nhà điện ảnh lừng danh người Nga Dovjenko:

(…)
Trên một gò đất đầy trăng, A-lích, và Mi-khai-lích đứng cùng nhau.
- Đứng trên ngôi mộ này đến ban ngày cũng thấy rờn rợn, còn ban đêm sợ lắm - Mi-khai-lich nói - Thế anh không sợ à?
- Không - A-lich điềm nhiên trả lời.
- Có một ông vua chôn ở dưới này - Mi-khai-lich xúc động giảng giải - Hai nghìn năm trăm năm rồi… Anh có biết ai không?
- Ai cơ?
- Chuyện ông vua ấy mà.
- Vua nào? Chẳng có vua nào cả.
- Sao lại chẳng có vua nào. Đây có lẽ là ông vua ấy, một ông vua mặc toàn vàng. Người ta còn nói là chôn cùng với ông ta còn có cả một con ngựa bằng vàng. Người ta đã tìm kiếm ông ấy trong tất cả các ngôi mộ… Này, anh  hãy nhắm mắt lại đi.
- Để làm gì?
- Anh cứ nhắm mắt lại đi.
- Thế còn mày?
- Em cũng nhắm.
Những đứa trẻ nhắm mắt lại, lập tức với trí tưởng tượng trẻ nhỏ của Mi-khai-lich, nó tưởng tượng quang cảnh chỉ có thể xuất hiện trên đồng cỏ và chỉ có thể xuất hiện dưới mắt nhìn trong trắng tuổi thơ: Đám tang một ông vua người Xkip.
Ngựa hí vang, những người kỵ sỹ lạ lùng gươm giáo tuốc trần đang phi vòng tròn trên đồng cỏ trong nỗi lo sợ tuyệt vọng. Những đống lửa sáng rực. Huyệt rộng, mộ mới đào. Những người khóc mướn gào lên vang động cả thảo nguyên ban đêm. Thi hài nhà vua chở trên một cỗ xe. Bốn người đánh xe ngựa đã bị giết nằm đó.
Binh sĩ đang giết người đánh xe ngựa thứ năm. Người ta kéo những nữ tì xinh đẹp vào trong lửa. Những đàn chó lớn, đàn bò rống lên vì ngửi thấy mùi máu. Hoàng hậu tự sát bằng dao, mắt nhìn khuôn mặt ghê sợ của nhà vua.
( Theo bản dịch từ tiếng Nga của Đỗ Thúy Hà trong tập truyện phim Dovjenko ANH HÙNG THỜI NỘI CHIẾN,  NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1977 )

2.2 SOẠN THẢO VÀ TRÌNH BÀY KỊCH BẢN THEO HOLLYWOOD
Sau ngày đất nước thống nhất (1975) và nhất là vào thời kỳ mở cửa đầu những năm 1980, điện ảnh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đoàn làm phim của Mỹ và Pháp - trong đó kể cả những nước có nền sản xuất và sáng tác điện ảnh chịu ảnh hưởng của hai nền điện ảnh lớn này. Khi vào quay tại Việt Nam, họ cũng đồng thời đưa vào một lối soạn thảo và trình bày kịch bản khác với lối của Nga mà người ta đã biết trước đó.

Về tiểu tiết, có sự khác biệt đôi chút giữa kịch bản này và kịch bản kia tùy theo thói quen và thị hiếu của nghệ sĩ. Nhưng nhìn chung, dù là của Mỹ hay của Pháp hoặc Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản… chúng đều có những nét lớn chung được gộp lại vào hình thức soạn thảo và trình bày kịch bản theo Hollywood ( kinh đô điện ảnh Mỹ ).


Để các bạn tiện tham khảo lối soạn thảo và trình bày kịch bản này, chúng tôi giới thiệu trích đoạn kịch bản của hai bộ phim đã quay tại Việt Nam:
THE QUIET AMERICAN ( NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG ) của các biên kịch Robert Shenckka, Christopher Hamton, Paul Schrade và THREE SEASONS ( BA MÙA ) của các biên kịch Tony Bui và Timothy Linh Bui:

*NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG

(…)
41. NGOẠI - PHÁT DIỆM - NGÀY
Một chiếc tàu đổ bộ xuyên qua màn sương theo một con sông tiến về thị trấn Phát Diệm. Những khu nhà bên bờ bị phá hủy. Bến sông do một nhóm LÍNH DÙ nhỏ quản lý. Phía sau là những ngọn lửa rực cháy lây lan ra cột gỗ, mái tranh.
FOWLER chờ trong số 25 lính Com măng đô trang bị nặng nề của Pháp, bên cạnh một viên TRUNG ÚY trẻ. Viên TRUNG ÚY chỉ tay về phía cột khói đang bốc lên.
                                    VIÊN TRUNG ÚY
                          Quân đoàn đóng ở gần nhà thờ.
                            Nó bị trúng đạn trong trận tấn
                                      công tối qua.
                                 
                                         FOWLER
                                 Cám ơn nhiều lắm!
                                    VIÊN TRUNG ÚY
                       Anh ta phải cẩn thận với những kẻ
                                            bắn tỉa.
Chiếc tàu đổ bộ cập vào bờ.
42. NGOẠI - PHỐ CHÍNH - NGÀY
FOWLER chạy từ chỗ núp này sang chỗ núp kia, dọc theo con đường vắng không người. Sau một lúc, anh ta lấy lại bình tĩnh và bắt đầu đi về phía có cột khói.
43. NGOẠI - KHU NHÀ THỜ VÀ TU VIỆN- NGÀY
Toàn bộ dân cư của thị trấn: Trẻ em, đồ đạc và gia cầm bị dồn vào một khoảng sân nhỏ trong khuôn viên nhà thờ. Khói từ đám cháy vẫn lan tỏa. Nơi đến của FOWLER là quân đồn đối diện, mặt tiền của nó đã bị nổ tung, để lộ ra phần bên trong của tòa nhà.

* BA MÙA

(…)
NGOẠI CẢNH - CON ĐƯỜNG NHỎ - BAN NGÀY
Hải chậm rãi cho chiếc xích lô dừng lại dưới bầu trời u ám.
Hải hạ mui xe, hiện ra Lan mặt áo dài trắng với một cái khăn bịt trên mắt.
Hải dìu Lan xuống xe.
Chàng nắm tay, dắt nàng bước ra khỏi xích lô.
         LAN
         Mình đang ở đâu thế hả anh?
         HẢI
         Suỵt! Đừng hỏi. Chỉ được nghe. Được
         hít thở. Và được cảm thấy thôi nhé.
Lan hít vào một hơi dài một cách thèm khát.
          LAN
          Thơm quá! Cảm thấy như em
          đang trở lại năm mười buốn tuổi.
          HẢI
          Em nhớ là cái gì đấy không?
          LAN
          Nhớ! Em nhớ! Em nhớ chứ!
Từ phía sau, Hải cởi chiếc khăn bịt mắt. Lan không nói một lời nào. Nàng rảo bước nhanh về phía trước như bước về một hấp lực không cách nào cưỡng nổi.
Chúng ta chứng kiến một cảnh tượng choáng ngợp màu đỏ rực rỡ của những đóa hoa phượng vĩ. Hàng trăm cây phượng trồng dọc hai bên đường, kéo dài hút tầm mắt. Lan chìn đắm trong cảm giác ngây ngất, tiếp tục bước đi trên vỉa hè như đi trong một cơn mê. Một làn gió nhẹ bắt đầu trổi. Từng cánh phượng vĩ bắt đầu rơi xuống một cách kỳ diệu, từng cánh, từng cánh một, rơi thêm, rơi thêm nữa…
Lan ngắm nhìn trong trạng thái hân hoan trong lúc cả con đường phủ đầy hoa phượng đỏ.
          TIẾNG HẢI
          Anh có cái này dành cho em
Lan ngoảnh lại nhìn Hải. Hải nhặt lên một cánh hoa phượng vĩ.
Hải rút cuốn sách cũ, cẩn thận đặt cánh hoa vào giữa những trang sách.
          HẢI
          Đây, kể từ nay, Lan ạ, em sẽ không
          còn phải giả vờ bịa chuyện nữa.
Qua trích đoạn của hai kịch bản NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNGBA MÙA được nhà biên kịch viết theo lối soạn thảo và trình bày kịch bản của Hollywood, chúng ta rút ra được một số đặc điểm như sau:
- Không bị lẫn lộn với tác phẩm văn học như cách viết kịch bản theo lối Nga, khiến cho người đọc có thể nhận thấy ngay hình thức riêng biệt của một loại hình nghệ thuật khác với văn học.
- Lối viết này thoạt nhìn có vẻ gần với kịch bản sân khấu hơn khi ta chỉ căn cứ vào phần thoại của nhân vật ở đó người ta viết tên nhân vật ở trên và lời thoại ở dưới. Nhưng có khác ở chỗ lời thoại của kịch bản điện ảnh đước đúc thành một cái khuôn có thể chứa được về bề ngang khoảng chừng từ  8 đến 9 chữ ( co chữ 12 hoặc 13 ). Hơn nữa, phần văn xuôi miêu tả trong kịch bản điện ảnh cũng phong phú hơn, rộng rãi hơn chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi chỉ dẫn ( indication scénique ) ngắn gọn như trong kịch bản sân khấu.

Do vậy về mặt hình thức trình bày, một kịch bản điện ảnh được viết theo lối Hollywood gần với kịch bản sân khấu hơn trong khi kịch bản trình bày theo lối Nga gần với văn học hơn.

PHẠM THÙY NHÂN
( Tư liệu dài kỳ đăng trên tạp chí Điện Ảnh TP.HCM )

0 nhận xét:

Post a Comment