À, trong đầu mình bây giờ đang nghĩ đến một câu chuyện nhỏ: Có một cậu bé con sinh ra đã mang một chiếc hộp thủy tinh ở trên đầu, chiếc hộp nhẹ lắm nên cậu cũng chẳng thấy ngại gì cả. Ngày nào đi đâu gặp chuyện gì, cậu cũng viết vào một mảnh giấy nhỏ rồi bỏ vào trong chiếc hộp trên đầu mình. Chiếc hộp trong suốt nên từ bên ngoài có thể nhìn thấy hết cảm xúc của cậu bé. Ngày qua ngày, chiếc hộp dần đầy lên và cậu tự hào lắm, cậu thích lưu giữ được càng nhiều càng tốt mà. Nhưng như thế thì cái hộp cũng ngày một nặng hơn, nó khiến cậu bé di chuyển khó khăn hơn, bởi vì cậu viết nhiều quá, mà người cậu thì không lớn kịp. Thế nên, có một lần, cậu chạy và bị vấp ngã - ngã kiểu bát úp í - thế là chiếc nắp hộp bung ra và các mẩu giấy bay đi hết cả. Cậu cảm thấy trống rỗng và vô vị quá. Chẳng còn lại gì cả.
Mình nghĩ là niềm tin cũng giống như vậy đấy. Người ta sống và tích lũy niềm tin. Tới một mức nào đó nếu niềm tin ấy thái quá, đôi khi nó lại đè nặng lên ta, khiến ta vấp ngã. Ta vấp ngã, ta mất hết niềm tin.
Mình đang muốn nói tới "sự cân bằng" và "sự vận động".
Thế "Sự vận động" là gì, mà "sự cân bằng" là như thế nào?
Mình thích một câu nói của Henri Bergson: “The pure present is an ungraspable advance of the past devouring the future. In truth all sensation is already memory.” Hiện tại thuần túy là một khoảnh khắc không thể nắm bắt được của quá khứ gặm nhấm vào tương lai. Thực sự thì mỗi cảm giác đã là một kỉ niệm. Tức là mọi thứ luôn luôn vận động không ngừng. Con người và vạn vật luôn thay đổi không ngừng. Bản thân bạn của một phút sau đã khác với bạn của một phút trước đó rồi. (Mình nói thế ko phải để biện hộ cho cái tính khí thất thường của mình đâu, hihi, mình nói thật đấy.) Bạn không thể bám víu vào một điều gì đó trong quá khứ và tin rằng nó mãi mãi đúng được. Không thể bảo rằng trước đây anh làm cho tôi tin rằng anh yêu tôi nhiều mà sao giờ anh lại như thế, thế là anh lừa dối tôi. Không, không phải như thế. Đơn giản là khi hai con người đã thay đổi theo hai hướng khác nhau, thì tâm hồn sẽ chẳng thể giao nhau được nữa mà thôi, không ai có lỗi cả. Cũng không thể nói rằng tôi tin vào điều đó vì nó là một phong tục, một phong trào được lưu truyền bao đời nay ở đất nước tôi rồi, tôi chẳng cần phải thay đổi bởi nó mãi mãi đúng. Ví dụ nhé, bạn có tin là ngày mùng 8-3 năm nào phụ nữ cũng được tặng hoa thì đất nước mình sẽ có bình đẳng giới không? Mình e là không. Bởi vì sự bình đẳng vốn dĩ là không còn phân biệt gì cả, nam cũng giống nữ mà nữ cũng giống nam. Thế tại sao phụ nữ cứ phải chờ đến ngày 8-3 để được phái kia nhớ đến, chiều chuộng, ưu đãi, để rồi 364 ngày còn lại thì lại quay về an phận với cái suy nghĩ "mình là phụ nữ"? Mình thích coi ngày 8-3 hay 20-10 cũng giống như là những ngày lễ bình thường khác hơn, coi như là có ngày để ăn chơi nhậu nhẹt là được rồi, bày đặt ngày đàn ông đàn bà làm gì - các nước bình đẳng giới rồi họ có cần gì những ngày này đâu?
Đó, mình nói lằng nhằng nãy giờ cũng là để muốn nói rằng: trong bất cứ niềm tin nào, cũng nên gieo sẵn cho nó một "sự vận động"- đừng mù quáng mà phải luôn suy xét, tôi cảm thấy gì? tôi muốn gì? Hãy mạnh dạn từ bỏ những niềm tin xưa cũ và đón nhận những niềm tin mới phù hợp hơn - để chiếc hộp thủy tinh không khiến chúng ta vấp ngã.
Ờ, thế nhưng làm thế nào để không mù quáng đây - khi mà con người vốn là loài động vật sẵn thừa tính tự cao và lòng tự ái, sẵn sàng lắc đầu nguầy nguậy khi ai đó mon men mang một "niềm tin" khác đối chọi lại với "niềm tin" của họ? Ừm cái này mình nghĩ là chúng ta cần phải viện tới "sự cân bằng". Ví dụ như cân bằng giữa cái tôi của mình và cái tôi của người khác. Trong khi có những người nhất định chỉ tin mình chứ chẳng tin ai, lại có những người chỉ tin người khác mà chẳng chịu tin bản thân mình - hoặc cũng có khi là chẳng biết mình tin cái gì nữa, cứ ào ào mà theo đám đông thôi. Thế nên mới có chuyện người ta cứ nghe theo lời báo chí truyền thông rồi lên mạng thi nhau ném đá một cô bé 15 tuổi đáng thương mà chẳng hề suy xét gốc rễ lỗi là tại ai, và coi việc lăng mạ người khác là thú vui lúc thanh nhàn... Hừm, mình đang nói tới đâu nhỉ? Khổ, ý tứ trong đầu cứ bay vòng vòng chả biết đâu mà lần. À, mình đang nói đến sự cân bằng. Còn cả cân bằng giữa nhiều cái tôi trong chính bản thân mình nữa. Cái khoản này mình rất kém. Nhiều khi lý trí và tình cảm của ta mang những niềm tin khác nhau, và điều đó khiến nảy sinh một sự "va chạm" trong chính bản thân mình. Nó khiến mình đau, va chạm thì phải đau chứ. Dĩ nhiên, nếu mình ko tự đòi hỏi sự cân bằng, mình sẽ chấp nhận niềm tin đến từ một "Cái tôi" duy nhất và bằng lòng với nó. Nhưng "Cái tôi lý tưởng" lại luôn chất vấn "Cái tôi" - bởi nhiệm vụ của nó là hoàn thiện "Cái tôi", làm cho "Cái tôi" tốt lên. Cho nên là thỉnh thoảng chúng nó đánh nhau dữ, mà thế thì làm mình đau, cũng căng phết. Nhưng nếu mình sợ đau, mình xua đuổi "Cái tôi lý tưởng" đi, thì chẳng bao giờ mình tốt lên được, trưởng thành lên được. Sự cân bằng trong con người mình - là kết quả của cuộc chiến giữa những niềm tin trong chính bản thân mình, mà sau đó niềm tin cũ kĩ sẽ bị đào thải và con người sẽ bước tới một bậc cao hơn. Chính vì thế, mà ngày nào đứng trước gương mình cũng tự hỏi câu mình một câu: "Mình muốn gì? Cái sự muốn của mình hôm nay có còn giống hôm qua không? Mình tin gì? Cái niềm tin của mình hôm nay có còn giống ngày hôm qua không?" Vậy đó.
À, bỗng dưng mình lại nhớ đến một chuyện từ ngày xưa, đem ra làm ví dụ tạm nhé: hồi bé tí ti mình nhất quyết tin là có ông già Noel bởi vì có một hôm giáng sinh mình ngủ dậy thấy có một món quà để đầu giường nhé. Mãi sau này mới biết là ông í ko có thật nên mình buồn lắm (đấy, sự va chạm đấy! nó khiến mình buồn). Xong rồi, hồi bé mình còn tin 100% là hai bố mẹ chỉ cần làm đám cưới xong là có thể sinh được được em bé, nên mình tưởng đám cưới là một cái gì thiêng liêng thần thánh lắm. Sau này lớn rồi mới biết là em bé được sinh ra như thế nào, hị hị, lúc í hơi bị sốc :"> (đấy, lại va chạm đấy, nó làm mình sốc!) Haha, những ví dụ này có liên quan tới những điều mình nói ở trên không nhỉ, chỉ biết là nó nảy ra trong đầu mình ngay lúc này. Mình thường hành động theo cảm xúc mà- và viết rốt cục cũng là một hành động thôi nhỉ. Ý mình chỉ muốn nói là: hãy để tâm hồn ta rộng mở như một đứa trẻ, và chấp nhận những nỗi đau của "sự va chạm giữa các niềm tin".
Kết lại cũng bằng một câu của Henri Bergson nhé - mình thích tư tưởng của ông này: “To exist is to change, to change is to mature, to mature is to go on creating oneself endlessly.”
0 nhận xét:
Post a Comment