vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Wednesday 17 April 2013

Ithaca - Phan Việt

Chưa có một tác giả Việt Nam nào khiến mình muốn trích và đăng tác phẩm của họ lên blog cá nhân nhiều như chị Phan Việt. (Có lẽ là tại mình cũng ít đọc văn học Việt nữa). Đối với những tác giả khác, mình có thể thích đọc họ vì văn phong, hay tính nghệ thuật trong một câu chuyện đặc thù cụ thể nào đó. Nhưng với văn Phan Việt, mình đơn giản là tìm thấy tiếng đồng vọng - trong suy nghĩ, tư duy, cảm nhận. Những câu chuyện không thật sự hay (nếu xét về tính văn chương) nhưng mình thích vì thấy giống mình quá. Một sự ngẫu nhiên chăng? Ngẫu nhiên thú vị.
Dưới đây là một truyện ngắn trong tập Nước Mỹ, nước Mỹ - có tên Ithaca 
(Typing: Linh Linh - nguồn: www.bmmua.com)

Anh đã nghe về chị qua những người bạn chung hoặc những đề cập tình cờ của người lạ. Những đề cập chủ yếu theo kiểu à, Cornell hả, ở Cornell có một người như thế, như thế … đang làm nghiên cứu sinh ngành tâm lý. Anh hơi tò mò. Một sự ghi nhớ lảng bảng về một tên người và một nơi chốn. Một người con gái hơn anh một tuổi, đang làm nghiên cứu sinh ở một trường lớn. Thế thôi. Từ lần đầu anh nghe về chị cho đến lần đầu tiên anh chủ định gặp chị là hai năm.

Lần ấy là mùa đông thứ ba của anh ở Mỹ. Cuối tháng Một, anh phải đi Ithaca dự một hội thảo vật lý về hạt cơ bản do Đại học Cornell chủ trì. Trước khi đi, anh đã nghĩ rất rõ ràng rằng khi đến nơi, anh sẽ viết email cho chị. Anh sẽ nói tôi đã nghe nhắc đến chị; nếu chị có thời gian thì tôi hy vọng chúng ta có thể gặp nhau.


Nhưng đến Cornell rồi, anh không sao viết được bức email đó. Thế nào? Sẽ viết email và rồi gặp một người con gái có thể khá xinh đẹp, có thể khá vui vẻ, có thể khá lôi cuốn so với những người con gái anh từng gặp … nhưng mà thế rồi thì sao? Rút cục, nếu thực sự suy nghĩ, cái gì có thể đến từ một cuộc gặp gỡ với một người con gái ở cách anh sáu tiếng lái xe và hơn anh một tuổi? Hoặc với bất kỳ người bạn mới nào?

Ngày cuối cùng ở Cornell, chỉ còn ba giờ trước khi phải đi, không có việc gì làm, anh ngồi check email. Không có email riêng nào mới gửi cho anh trong vòng hai ngày qua, chỉ toàn spam. Vẫn còn hai tiếng rưỡi nữa mới đến giờ ra sân bay. Anh đọc lại những email từ tuần trước, từ năm trước, rồi đọc lại email từ lúc anh mới đến Mỹ. Chúng như của một người lạ. Có một email anh gửi cho một cô gái ở Los Angeles mà bây giờ có lẽ là người bạn nữ duy nhất anh còn thỉnh thoảng nói chuyện. Thư thế này:

“… thân mến, mình sẽ tới Los Angeles dự hội thảo vào tuần tới. Nếu bạn có thời gian thì mình hy vọng chúng ta có thể gặp nhau để trao đổi về học tập và cuộc sống.”

Anh đọc những lá thư cũ rồi ấn vào nút soạn thư mới.

“Tôi đang ở Cornell dự hội thảo và bây giờ mới biết có người Việt Nam học ở đây. Nếu chị có thời gian, hy vọng chúng ta có thể gặp nhau. Dĩ nhiên là nếu chị nhận được thư này trước 3 giờ chiều.”

Anh đã nghĩ, chỉ còn hai tiếng. Anh dù sao cũng đã viết bức email mà anh nghĩ đến cả tháng trước khi đi Cornell và lưỡng lự cả một tuần vừa rồi. Hai tiếng. Nếu là anh nhận một email như vậy từ người lạ, anh sẽ chờ cho đến khi gần hai tiếng qua đi hoặc chờ hẳn năm tiếng cho chắc chắn, rồi anh sẽ viết email trả lời. Tiếc quá – anh sẽ nói – tôi ở trên lớp cả ngày nên giờ mới nhận được email. Hy vọng là chúng ta sẽ có dịp gặp nhau vào lần khác.

Anh đinh ninh sẽ có một cái email như thế chờ anh ở nhà, hoặc ngay trước khi anh rời khách sạn. Nhưng 30 phút sau khi anh gửi thư, điện thoại di động của anh đổ chuông.

-         Anh đã đi chưa? – giọng chị sốt sắng.

-         Tôi còn chờ chị – anh cười.

-         Vậy tốt rồi.

Lần này chị cười; như thể chị hoàn toàn tin rằng anh còn chờ chị; và điều ấy làm chị thực sự vui, không phải vì nó hàm ý một sự tán tỉnh, mà vì chị còn cơ hội vào giây phút cuối để gặp anh như những người bạn thân lâu ngày chưa gặp.

Họ gặp nhau trong  quán cà phê Starbucks. Từ đó nhìn ra là những đồi thông còn xanh vào tháng Một và khu trung tâm của Collegetown. Trong những ngày sau đó, anh không thể nhớ chính xác chị mặc gì. Anh chỉ nhớ giọng nói. Giọng nói gợi cảm giác của những cơn gió trên đồng lúa mỳ vào tháng Mười – chúng sẽ cuốn những cọng rơm và tất cả mọi thứ còn sót lại trên mặt đất sau vụ gặt thành một cái vòi rồng nhỏ, đi lang thang lả lướt vui vẻ trên mặt ruộng.

Trong vòng mười phút đầu tiên, anh đã không thể nhìn thẳng vào mắt chị; và vẫn không tin là cuộc gặp này đang xảy ra. Anh chợt nhận ra đã lâu lắm rồi, anh không làm quen với những người bạn mới và không còn trông chờ điều gì mới mẻ từ những người anh có thể gặp. Trong mười phút, anh bận rộn gọi cà phê, bình luận về thời tiết tháng Một ở vùng New England; anh khen Cornell chọn được một địa điểm tuyệt vời để xây trường – ngay trên một quả đồi nhìn xuống hồ Cayuga và bao quanh là những bìa rừng và những thác nước nhỏ tuyệt vời của vùng central New York. Anh bình luận về kho dữ liệu Việt Nam lớn nhất thế giới đang có ở Cornell; rồi kể vắn tắt về hội thảo của anh. Anh nói rằng anh đã luôn muốn vào Cornell học vì đứng về vật lý thì Cornell vượt xa John Hopkins, nhất là về astrophysics và low-tempurature physics. Trong lúc nói tất cả những điều đó, anh làm quen dần với ánh mắt nhìn thẳng của chị. Anh xưng “tôi” trong lúc nói, vì không hiểu sao, không thể xưng “em” hay xưng “mình” . Và chị đáp lại cũng bằng “tôi”. Điều ấy dường như là điều hợp lí duy nhất và tự nhiên nhất.

-         Anh có biết Urie Bronfenbrenner không? – chị hỏi – Tôi đến Cornell là vì ông ấy.

Họ nói chuyện về Hà Nội, về một vài người bạn chung ở Boston, Chicago, ở Berkeley, ở Texa. Rồi họ nói về nước Mỹ, về ảo tưởng lúc mới đến Mỹ, ảo tưởng về chương trình tiến sĩ; về những tố chất mà một người cần có để có thể theo đuổi con đường khoa học thực sự, về thái độ đối với kiến thức.

-         Tại sao anh học vật lý?

-         Khó quá – anh cười – Chắc tôi không đủ thời gian để trả lời.

-         Không không – chị nói – Chỉ cần nói cho tôi biết một ví dụ thôi. Một cái gì đó khi anh nhìn thấy nó thì anh bảo “A, đây là lí do vì sao tôi muốn học vật lý”.

Chị nói xong thì ngả người ra phía sau, nhìn anh chờ đợi. Sự chờ đợi làm cho óc anh đột nhiên trống rỗng.

-         Ừm … – anh cười – Tôi thì không chắc là tôi có những khoảnh khắc khai sáng kiểu như thế. Mọi thứ với tôi đều xảy ra dần dần.

-         Không không … Không phải là khai sáng, mà là cái gì vẫn còn khiến anh xúc động sau chừng đó năm học vật lý. Ví dụ như tôi chẳng hạn, đôi khi tôi đọc một thí nghiệm hay để phát hiện một hiện tượng tâm lý… Chẳng hạn như… tôi nhớ lần đầu tôi đọc các ghi chép của Piaget… ông ấy muốn phát hiện ra trẻ con phân biệt các hình tam giác, hình tròn và hình vuông thế nào… Anh đã bao giờ ngồi khoảng bốn tiếng quan sát một đứa trẻ một tuổi chưa?

Anh nói rằng chưa. Anh không biết cách chơi với trẻ con. Mà anh cũng không biết cách chơi với người lớn – anh cười.

Nhưng họ đã bỏ qua câu hỏi về vật lý. Tại sao anh học vật lý? Về lại John Hopkins rồi, anh nghĩ lại câu hỏi này và biết tại sao anh không trả lời được. Anh thử tưởng tượng anh phải trả lời một cách nghiêm túc – giả sử là một cuộc phỏng vấn xin việc chẳng hạn. Anh nghĩ đi nghĩ lại. Rút cục, chẳng có câu trả lời nào mà chính anh muốn nghe. Hoặc những gì anh nói quá đao to búa lớn – và anh biết là chúng không thật (có thể chúng đã thật vào lúc nào đó nhưng lúc này thì không); còn nếu nói thật trung thực cảm giác hiện tại thì câu trả lời vụn vặt đến mức nghe chính mình xong, anh không hiểu tại sao anh chọn học vật lý và vẫn còn theo đuổi đến giờ.

Thế mà lần đó họ đã nói chuyện rất nhiều về vật lý. Vật lý!

-         Tôi nghĩ là đến một ngày, người ta sẽ thấy cả ngành vật lý của anh và ngành tâm lý của tôi đều quy về một mối cả. Tâm lý hiện đại phương Tây mới chạm đến tiềm thức, chứ không tin vào tàng thức.  Cũng như vật lý hiện đại của anh hầu hết không tin vào Phật Giáo nguyên thủy . Như là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, hay duyên khởi.

-         Einstein nói cái tiến gần nhất sự thật về thế giới vật lý chính là Đạo Phật – anh nói chậm rãi.

-         Anh có nghĩ là người phương Đông sinh ra với tố chất khác hẳn người phương Tây không? Giống như lửa và nước là những thứ có đặc tính khác nhau.

Họ nói thêm về lửa và nước; về âm dương ngũ hành; thậm chí cả về hạt cơ bản. Rồi từ hạt cơ bản, làm thế nào đó họ vòng về Yoga; và từ Yoga nói sang chuyện người Mỹ nhiều bệnh tật, nhất là tâm bệnh, và rồi họ nói sang mùa đông ở New England.

-         Sắp 3 giờ – chị nói.

Anh đứng lên:

-         Tôi phải về khách sạn rồi.

Họ đứng cạnh nhau ở ngoài quán Starbucks. Trong lúc anh cố nghĩ anh phải nói một điều gì đó quan trọng và thật có sức nặng thì chị chìa tay ra:

-         Hẹn gặp lại – chị nói.

-         Hẹn gặp lại – anh nhắc lại lời chị và cười.

Sau đó, họ rời tay nhau. Anh bước đi trước, không lần nào quay đầu lại.

Từ Cornell về Baltimore, anh lập tức vào mạng tra website của khoa Tâm lý, Đại học Cornell. Trong phần giới thiệu nghiên cứu sinh, anh thấy một bức ảnh chân dung và hai dòng ngắn gọn giới thiệu lĩnh vực nghiên cứu về chị: quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ dưới ba tuổi.

Anh vào trong database của trường search “Urie Bronfenbrenner” rồi “Piaget” trên JSTOR và Primier Search. Hóa ra Urie Bronfenbrenner là một nhà tâm lý học nổi tiếng trong ngành tâm lý phát triển và hiện vẫn là giáo sư danh dự ở Cornell, mặc dù ông ta đã ngoài 80. Anh đọc các thí nghiệm xếp hình, thí nghiệm đếm đồ vật trên hai dãy, thí nghiệm phân loại động vật của Piaget với trẻ nhỏ. Anh đọc các bài nhập môn về phân tâm học của Freud, hành vi học, tâm lý học thần kinh, tâm lý học xã hội. Và anh nghĩ, lần sau, nếu họ gặp nhau, họ sẽ phải nói về tâm lý học. Anh sẽ có nhiều cái nghiêm túc để nói với chị về tâm lý học, ví dụ:

-         Tôi nghĩ là lý thuyết sinh thái của Bronfenbrenner không ổn. Lý thuyết này giống như là snapshot về cuộc sống của một cá thể, chứ không phải lý thuyết về phát triển. Nó không hề bàn tới quá trình, mà chỉ tập trung vào một thời điểm nhất định. Một khoảnh khắc bất kỳ. Điều đó hoàn toàn vô nghĩ khi xem xét bản chất sự vật.


*


Nhưng từ lần đó, cho tới lần thứ hai họ gặp nhau là một năm. Trong một năm đó, anh không hề liên lạc với chị. Không email. Không điện thoại. Không có gì cả. Anh chỉ không thể.

Từ Ithaca về lại Baltimore, trong những tuần đầu tiên hăm hở lao vào tìm đọc sách tâm lý, anh tin tưởng chắc chắn rằng họ sẽ lại gặp nhau rất sớm. Anh có linh cảm chắc chắn về một sự liên thông giữa hai người; sự liên thông giống như một thứ lực hút, có thể co ngắn khoảng cách và sẽ làm cho họ đến gần nhau bằng cách này hay cách khác. Sau một tuần, anh bỗng nhiên nhận ra lẽ ra ngay lúc trở về, anh phải email cảm ơn chị đã gặp anh vào phút chót và nói một lời gì đó có tính xác nhận về điều đã diễn ra; ví dụ như “Tôi rất vui vì đã gặp chị”. Như thế, dĩ nhiên, chị sẽ viết thư trả lời và sau đó, họ có thể email trao đổi thêm, hoặc điện thoại, hoặc gặp nhau trên mạng, hoặc thế nào đó. Nhưng anh đã quá hăm hở tìm kiếm Urie Bronfenbrenner và Jean Piaget; và hình như anh đã có cảm giác là chị ở ngay phố bên cạnh, lúc nào anh cũng có thể chạy sang nói chuyện. Cho đến khi Cornell rõ ràng ở rất xa thì đã quá muộn. Không có lí do gì, sau hai tuần, anh lại viết một lá thư cảm ơn.

Nhưng khi một tháng qua đi mà không hề có bất cứ liên lạc nào từ chị, và khi những bài nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ nhở ngày càng đi sâu vào phát triển não, vào thần kinh chức năng, rồi cấu trúc ngôn ngữ và đẩy anh vào một thế giới xa lạ, anh bắt đầu nghĩ rằng anh không viết email cảm ơn là hoàn toàn chính xác. Bởi như thế sẽ tạo thêm gánh nặng cho chị, đồng thời làm anh “lộ tẩy”.  Anh tin rằng anh đã ngộ nhận khủng khiếp về sự liên thông kia. Anh tin rằng chỉ có một mình anh nghĩ đến chị; còn chị đã nói chuyện với anh như với bất cứ người bạn nào.

Mà có lẽ tệ hơn thế; có thể chị không còn ưa anh. Anh cố nhớ lại cặn kẽ cuộc nói chuyện trong quán cà phê Starbucks; lúc ấy, anh vừa tận hưởng cái mới mẻ mà cuộc gặp này mang lại, vừa ngấm  ngầm chờ đợi sự xác nhận cho một hoài nghi không rõ ràng trong lòng anh. Nhưng cả một tiếng đó, sự hoài nghi cứ nhạt dần, thay vào đó là một niềm vui tự nhiên mà lâu rồi anh mới biết đến khi tiếp xúc với một người lạ. Anh nhớ lại những lời anh đã nói. Anh thấy chúng tầm thường, ngu ngốc, và đầy sự xã giao bề mặt. Chúng cầm chừng. Chị chắc chắn đọc được tất cả những hoài nghi cuộc sống trong lòng anh. Tất cả thói quen phòng về mà năm tháng tích lũy lại … cả sự miễn cưỡng bất tự giác trước phụ nữ. Những điều ấy dĩ nhiên là lí do chính đáng để chị không nhớ tới anh sau lần gặp đó. Chắc chắn là chị không ưa anh.

Anh càng tin điều ấy sau lần thứ hai họ gặp nhau tình cờ ở sinh nhật một người bạn, vào cuối tháng Ba năm sau, ngay tạo Washington DC.  Khi anh nhìn thấy chị ngồi ở một góc ghế sô-pha trong nhà người bạn, anh nghĩ là mình nhìn thấy một ảo ảnh. Rồi khi rõ ràng là anh không nhầm, thì anh nhận ra một thực tế khác. Chị đã lên Washington mà không hề thông báo với anh, dù chỉ như một người bạn; trong khi anh, suốt một năm qua, đã luôn ngấm ngầm chờ đợi một cơ hội “tự nhiên” nào đó cho anh đi Cornell lần nữa.

-         Tôi lên DC xem hoa anh đào – chị giải thích – Tôi ở Mỹ bốn năm rồi mà chưa từng đến DC.

-         DC cũng chẳng có gì nhưng cũng nên đến một lần cho biết – anh nói – Nếu không có ai đưa chị đi thì tôi sẽ đưa chị đi.

Anh đã có giữ giọng mình thật lịch thiệp và thân thiện đúng mực; nhưng hình như câu nói vẫn cứ hụt ở phía cuối. Anh tưởng tượng anh sẽ có thời gian một mình với chị trong vườn hoa anh đào dọc sông Potomac, rồi trong đền tưởng niệm tổng thống Lincoln, rồi cạnh bức tường tưởng niệm lính Mỹ chết trận trong cuộc chiến Việt Nam, rồi đài tưởng niệm Washington và tất cả các bảo tàng nổi tiếng của DC. Anh sẽ đưa chị đi thăm thư viện Quốc hội, rạp Shakespeare, trung tâm lưu trữ quốc gia, đài tưởng niệm Einstein. Chị có thể sang Baltimore thăm đại học John Hopkins của anh. Có thể họ sẽ ăn tối cùng nhau.

Chị nhìn thẳng vào mắt anh sau khi nghe lời đề nghị. Có cái gì đó không ổn. Anh không rõ là vì thời gian đã qua, vì còn có những người khác ở xung quanh cộng với tiếng nhạc ồn ào, hay vì điều gì khác. Nhưng có có cái gì đó không tự nhiên giữa hai người.

-         Cảm ơn anh – chị cười – Nhưng sáng mai tôi phải về rồi.

Trước khi anh kịp định hình cảm giác của anh, một người đàn ông và một cô gái chừng 18 tuổi đi tới chỗ chị. Họ thông báo với chị rằng những người khác đã đồng ý ngày mai sẽ đi Philadelphia chơi rồi mới về nhà. Cô gái trẻ chen vào ngồi cạnh chị thì thầm gì đó. Chị cười, giới thiệu anh với hai người kia. Người đàn ông mới sang Cornell học thạc sỹ ngành hành chính công theo học bổng Fullbright, còn cô gái là sinh viên năm thứ nhất. Họ có một đoàn tám người từ quanh upstate New York lên DC lần này và họ đã ở đây cả tuần vừa qua.

Anh chào hai người kia, nói vài câu xã giao rồi rời khỏi chỗ chị. Từ đó cho đến lúc ra về, anh không hề đến gần chị lần nào. Anh thậm chí không nhìn chị mà chỉ dùng đuôi mắt theo dõi. Chị vẫn ngồi ở đúng chỗ đó suốt buổi tối và cũng không nhìn anh. Người đàn ông học Fullbright thỉnh thoảng đến gần chị; rõ ràng anh ta thích chị nhưng họ cũng chưa phải là người yêu. Những người trong đoàn thỉnh thoảng đến gần chị. Anh nghe họ kể lại những chuyện hài hước trong tuần vừa qua, lúc trên ô tô, lúc trong vườn anh đào, trong đài tưởng niệm Lincoln, trong phố Tàu của DC. Anh nghe họ nói về thành phố mà anh quen thuộc như thế đang nghe về một thành phố xa lạ.

Một tiếng như vậy trôi qua. Đến 8 giờ tối, anh xin phép chủ nhà ra về sớm vì có việc. Anh không đến chào chị trước khi ra về; thậm chí anh không nhìn về phía đó. Anh lấy mũ và áo ở phòng ngoài, rồi cứ thế mở cửa đi ra.

Anh nghĩ câu chuyện đến đây chấm dứt. Một câu chuyện lãng mạn nho nhỏ cho tuổi trẻ. Mà có lẽ cũng chẳng thể gọi là một câu chuyện được.


*


Thế mà rồi hình như có những câu chuyện không bao giờ kết thúc cho dù người ta tưởng đã chấm dứt nó; cũng như những câu chuyện người ta không bắt đầu mà làm thế nào đó người ta đã đứng giữa. Từ mùa đông đó, anh đã gặp gỡ những người con gái khác – thậm chí nhiều người con gái khác. Anh biết mùa hè tiếp đó, chị đã ở Việt Nam; cùng thời gian với anh ở Việt Nam. Rồi mùa thu tiếp đó, anh lại đi Cornell nhưng không hề báo cho chị biết. Mùa đông tiếp đó, anh gặp một cô gái 24 tuổi đến John Hopkins học thạc sỹ về y tế cộng đồng và họ bắt đầu hẹn hò. Mùa hè năm đó, chị về Hà Nội làm đám cưới còn anh chia tay người con gái kia. Từ đó, thông tin về chị luôn đi kèm với thông tin về người chồng. Anh vẫn thỉnh thoảng hẹn hò với một cô gái, nhưng nhanh chóng, cảm giác hào hứng với sự hẹn hò tan đi, khiến anh luôn là người ra đi trước. Càng ngày, sự hào hứng tan càng nhanh. Anh không thừa nhận rằng lần nào anh cũng so sánh mơ hồ những quan hệ hiện tại với một cái gì đó; một cái gì không cụ thể nhưng hình như là tốt hơn cái hiện tại, thậm chí có lẽ cũng không phải là tốt hơn nhưng có lẽ là “thật” hơn, dễ dàng hơn, hình như thế. Có điều này thì anh thừa nhận: trở về từ Ithaca sau lần gặp đầu tiên, anh đã lưu bức ảnh chân dung của chị vào một folder chuyên giữ những ghi chép cá nhân. Anh hầu như không bao giờ mở bức ảnh ra xem, thậm chí hiếm khi nhớ ra là anh có bức ảnh đó; nhưng vào những lúc mệt nhất và buồn nhất, anh hay bất giác mở lại những email cũ, đọc lại những ghi chéo cá nhấn từ nhiều năm trước, rồi thể nào cuối cùng anh cũng mở tấm ảnh khổ 4×6. Cảm giác cũng không có gì đặc biệt; chắc chắn nó không phải là nhớ nhung hay yêu đường; chỉ là … giống như có một người bạn ngồi ở ngay đó, một người biết rõ mình vào lúc mình là phiên bản tốt nhất của bản thân.  Hình như thế.

Anh tốt nghiệp tiến sĩ vào mùa hè. Đến mùa thu, anh đi Cornell học post-doc. Chị đã tốt nghiệp vào mùa hè và về Hà Nội cùng chồng. Hết một năm post-doc, anh rời Cornell đi Illinois làm việc ở Fermi Lab.

Thời gian cứ thế trôi đi.

Một năm sau, họ gặp lại nhau ở Hà Nội trong đám cưới một người bạn chung của anh và chồng chị. Chị đi một mình, thay cho chồng đang đi công tác ở Bỉ. Ở hành lang, họ có một lúc đứng một mình với nhau, lần này không còn lúng túng. Anh cười:

-         Chị biết không … tôi nghĩ là lý thuyết sinh thái của Bronfenbrenner không ổn. Lý thuyết này giống như là snapshot về cuộc sống của một cá thể, chứ không phải lý thuyết về phát triển. Nó không hề bàn tới quá trình, mà chỉ tập trung vào một thời điểm nhất định. Một khoảnh khắc bất kỳ. Nhưng thực ra khoảnh khắc chẳng nói lên điều gì; quá trình mới quan trọng.

-         Anh nghĩ thế thật à? – chị cười khẽ.

Câu hỏi rất đơn giản, dường như không chờ đợi câu trả lời. Anh nhìn thẳng vào mắt chị. Và anh chợt nhận ra tất cả năm năm qua, tất cả sự mong ngóng mơ hồ, những sợ hãi, hoài nghi, cả sự tiêu biến của cảm hứng yêu đương ở anh và trạng thái tương tư kéo dài – nếu có thể gọi đó là tương tư – mà anh chủ động duy trì cho đến hôm nay đều quy vào cái giây phút anh đã bất thần viết bức email khi chỉ còn hai tiếng nữa là anh ra máy bay rời khỏi Cornell. Có thể cả cả cuộc đời anh đã bị định đoạt bởi cái khoảnh khắc bất thần ấy. Không có gì đến trước nó báo hiệu chắc chắn về nó, hoặc ngăn được những gì diễn ra sau nó. Không có bất cứ kinh nghiệm nào trước đó có thể giúp được anh khỏi viết bức email đó; cũng như tất cả nghị lực và trí tuệ của anh cũng không giúp được anh trong những năm tháng sau này. Không có quá trình nào cả. Cái khoảnh khắc đó là một sự đứt gãy khổng lồ và tự thân nó không đứng vào đâu trong cuộc sống của anh. Anh thậm chí cũng không thuộc về nó.

Trong lúc anh đứng đó, hoàn toàn đầu hàng hiện tại, anh thấy chị cười:

-         Tôi và anh … cứ giống như là “two driffters”.

Two driffters! Two driffters! “Two driffters off to see the world”. Buổi chiều đó ở Ithaca, trong quán cà phê Starbucks, anh đã nghe thấy những lời bài hát này vọng ra từ những cái loa gắn trên trần nhà; và anh đã bám lấy thực tại bằng cách nhẩm đi nhẩm lại mấy từ này trong đầu trong lúc vừa đứng chờ cà phê cho hai người vừa theo dõi chị bằng đuôi mắt. Hôm đó, chị mặc áo choàng ngoài màu trắng nhạt và khăn choàng vai lớn bằng dạ màu xám, có những tua trắng nhỏ.

Two driffters. Two driffters.

Từ đó cho đến hết đám cưới, anh và chị không nói với nhau một lời nào khác. Họ ngồi đối diện nhau ở cùng một bàn toàn cựu nghiên cứu sinh tại Mỹ mà không hề nhìn nhau. Nhưng anh biết từng cử động trên gương mặt chị, từng cử động trên bàn tay chị đặt trên mặt bàn. Anh biết mọi ý nghĩ của chị. Bởi vì bây giờ anh biết chắc suốt những năm tháng đó, chị đã nghĩ tới anh và có lẽ cũng đã chờ anh như anh chờ chị sau buổi chiều trong quán Starbucks ở Ithaca. Họ đã sợ hãi và ngốc nghếch. Mà cũng có thể là không hề ngốc. Có thể họ đã may mắn. Vì có thể cái hiện tại này là kết cục tốt nhất có thể có của họ.

Anh không tiếc. Anh thấy một cảm giác hân hoan vượt khỏi tất cả mọi thứ đang diễn ra. Một niềm vui không thể diễn tả nổi, vì nó quá lớn và vượt ra khỏi mọi thứ ngôn ngữ có thể có trên đời. Anh muốn cười phá lên.




Năm tháng qua. Họ thỉnh thoảng tình cờ gặp nhau; có khi ở một cuộc họp mặt cựu du học sinh Mỹ vùng New England tại Hà Nội; có khi ở hội thảo nào đó mà họ cùng được mời. Cũng có lần họ gặp nhau ở một đám cưới hay tiệc mừng nhà mới của một người bạn cung mà họ cũng không hề biết là họ có chung. Nếu may mắn, trong những dịp đó, họ sẽ được ngồi cạnh nhau, hoặc ngồi đối diện. Họ không nói chuyện với nhau. Cũng không nói chuyện với những người khác. Họ chỉ yên lặng ngồi ăn và nghe những người quanh bàn cười đùa; và trả lời khi bắt buộc phải trả lời. Nếu vạt váy của chị chẳng may chạm vào ống quần anh ở dưới gầm bàn, chị sẽ lập tức nói “Xin lỗi” rồi khẽ kéo ghế lùi ra xa. Nếu khuỷu tay anh chẳng may chạm vào chị; anh sẽ lập tức lùi lại và xin lỗi. Rồi họ lại ngồi ăn yên lặng cạnh nhau. Và rồi khi hội thảo hay đám cưới hết, họ lịch thiệp chào nhau ở cửa. Khi ấy, họ sẽ cho phép mình nhìn thẳng vào mắt nhau trong một tích tắc, để có cái mà giữ lấy cho đến lần sau họ tình cờ gặp nhau ở đâu đó hoặc có thể không bao giờ./.

0 nhận xét:

Post a Comment