[Bài viết thực hiện cho chương trình truyền thông xã hội Việc nhỏ mỗi ngày năm 2011]
Tôi muốn nói về những chuyến đi. Hãy nhớ về những chuyến đi của bạn, những nơi bạn đã đến, bạn đã mang về những gì và để lại đó những gì?
Có một lần tôi đi chùa Bái Đính. Đợt đó chùa mới xây dựng xong và cảnh quan xung quanh vẫn còn rất ngổn ngang, thế nhưng đã có rất đông khách thập phương tới đây để chiêm ngưỡng ngôi chùa được quảng bá là lớn nhất Đông Nam Á này. Dọc đường đi từ cổng lên tới đỉnh chùa, ngoài các công trình kiến trúc và cảnh quan chùa, tôi cũng có dịp chứng kiến những “dấu ấn để lại” của đám đông quan khách thập phương. Trên những bức tượng đá các vị La Hán, tôi bắt gặp những hình vẽ “chẳng liên quan” mà chắc hẳn là do một vị du khách “vui tính” nào đó để lại. Ở những bãi đất trống mà giờ trở thành vườn cây, nhiều đám đông tụ tập để nghỉ chân và ăn uống, xung quanh là những đống rác gồm túi nilon, vỏ lon, vỏ hộp các loại. Hẳn là đến giờ này, các hình vẽ đã được xóa đi, và đống rác cũng đã được dọn đi sau đó không lâu. Nhưng sẽ không phải mất công dọn dẹp nếu như ngay từ đầu mỗi chúng ta có ý thức về những tác động mà hành động của mình có thể gây ra cho môi trường sống xung quanh. Trên đường về, chúng tôi có ghé qua một quán nhỏ bên đường, bên cạnh là một vườn hoa nhài rất rộng và đẹp, thu hút rất nhiều người vào xem. Không ít người đã ngắt hoa đem về, không biết để làm gì hay chỉ là một hành động vô thức?
Hành động chiếm hữu và tự tư, cũng như tâm lý đám đông là một tâm lý thường thấy của con người. Họ luôn muốn để lại dấu ấn như một cách thể hiện cái tôi, tính sở hữu, và mỗi khi thấy ai đó có gì đó hay hay thì lại muốn mình cũng phải có. Nhưng trước khi hành động, mỗi chúng hãy dừng lại suy nghĩ một chút về tác hại có thể gây ra đối với môi trường và xã hội. Nếu ai cũng hành động như vậy thì có thể lợi ích cho mỗi cá nhân thu về sẽ rất ít, trong khi đó tác động tổng thể lên môi trường sẽ là rất lớn. Cho nên, mỗi khi đặt chân tới vùng đất nào, xin hãy chỉ mang về hương hoa thôi, và chỉ để lại dấu chân của bạn, chứ không phải rác.
“Việc nhỏ mỗi ngày”– một chương trình truyền hình xã hội mới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng được Habeco tài trợ, do Vnunique phát triển – lên sóng VTV3 vào năm 2011-2012. Tôi tham gia dự án với tư cách là biên tập viên của Vnunique.
Ý tưởng chủ đạo của chương trình này là cho khán giả được trải nghiệm cuộc sống của nhiều cá nhân trong xã hội thông qua những việc nhỏ, rất nhỏ mà mỗi chúng ta ai cũng làm hàng ngày. Qua đó, khán giả sẽ nhận thức được rằng “mỗi ngày, mỗi việc nhỏ” nếu chúng ta làm khác đi thì môi trường sống và xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ đó, chương trình sẽ khơi gợi ở mỗi cá nhân một ý thức và thái độ sống tích cực và có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và xã hội.
0 nhận xét:
Post a Comment