[Bài viết thực hiện cho chương trình truyền thông xã hội Việc nhỏ mỗi ngày năm 2011]
Hẳn là rất nhiều lần đi trên đường bạn gặp phải một chuyện như thế này: Tại một ngã tư chờ đèn đỏ, một hàng dài xe cộ đã dừng lại nhưng vẫn có những chiếc xe bất chấp đèn tín hiệu mà phóng vượt lên. Rõ ràng, họ đã vượt quá giới hạn.
Cũng tại ngã tư đó, có những người vẫn tuân thủ theo đèn tín hiệu và dừng lại chờ đèn đỏ, nhưng họ đã lấn qua vạch ngăn cách làn đường và dàn hàng ngang sang phần làn đường đối diện, gây cản trở cho giao thông và tắc đường sẽ là hệ quả tất yếu. Không dễ nhận ra, nhưng họ cũng là những người vượt quá giới hạn, dù ở một mức độ thấp hơn. Người đầu tiên lấn vạch sẽ nghĩ rằng mình chỉ lấn qua có một chút thôi, cách vạch ngăn này chừng vài centimet thì cũng chẳng sao cả. Nhưng anh ta không hiểu được rằng hành động vượt giới hạn của mình sẽ cổ vũ cho tâm lý bầy đàn cố hữu của con người: những người khác sẽ nghĩ rằng người kia làm được như vậy thì tại sao mình lại không được làm thế. Họ sợ mình bị thiệt. Và thế là người ta cứ đua nhau dàn hàng ngang ra hết làn đường đối diện. Họ đua nhau vượt giới hạn.
Khi bạn có thể vượt qua một giới hạn hay khuôn khổ nào đó, bạn thường cảm thấy được sự tự do. Nhưng bất cứ khi nào bạn vượt qua giới hạn của luật pháp, bạn sẽ phải đối mặt với sự sợ hãi: sợ bị công an bắt, sợ bị phạt tiền, sợ bị giữ xe, sợ bị tai nạn… Và như vậy, bạn mất tự do. “Tự do là nhận thức được cái tất yếu”. “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ởsự nhận thức được những quy luật đó”. Những luật lệ giao thông được đặt ra cũng chính là cái tất yếu, là những quy luật cần có của một xã hội văn minh tiến bộ. Thay vì phá vỡ nó và tự chuốc lấy nỗi sợ hãi, tại sao bạn không chấp hành luật lệ và hòa mình vào sự văn minh tiến bộ đó? Nếu như bạn dừng xe đúng chỗ, tuân theo đèn tín hiệu, đi đúng làn đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông,… bạn không bao giờ phải lo sợ điều gì, bạn tự do, thanh thản, bạn bình yên.
Như vậy, tự do không phải điều gì quá xa xôi, mà nó nằm ngay trong suy nghĩ và ý thức của bạn. Và ranh giới giữa có ý thức và vô ý thức, cũng như ranh giới của sự tự do và nỗi sợ hãi đều rất mong manh. Ngay cả với những người có phẩm chất tốt đi nữa, chỉ một chút buông thả bản thân để hùa theo số đông cũng sẽ đẩy bạn sang bên kia của ranh giới. Hãy luôn cân nhắc trong mọi hành động của mình, vì đôi khi những hành động vô thức của bạn có thể sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới mọi người xung quanh.
“Việc nhỏ mỗi ngày”– một chương trình truyền hình xã hội mới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng được Habeco tài trợ, do Vnunique phát triển – lên sóng VTV3 vào năm 2011-2012. Tôi tham gia dự án với tư cách là biên tập viên của Vnunique.
Ý tưởng chủ đạo của chương trình này là cho khán giả được trải nghiệm cuộc sống của nhiều cá nhân trong xã hội thông qua những việc nhỏ, rất nhỏ mà mỗi chúng ta ai cũng làm hàng ngày. Qua đó, khán giả sẽ nhận thức được rằng “mỗi ngày, mỗi việc nhỏ” nếu chúng ta làm khác đi thì môi trường sống và xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ đó, chương trình sẽ khơi gợi ở mỗi cá nhân một ý thức và thái độ sống tích cực và có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và xã hội.
0 nhận xét:
Post a Comment