vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Wednesday 20 January 2016

5 điểm chung của các thương hiệu mạnh tại Việt Nam

Trong bài viết trước, tôi đã đề cập tới 10 thương hiệu nội địa được đánh giá là thuộc nhóm các thương hiệu mạnh nhất tại Việt Nam, sánh ngang với những thương hiệu ngoại nhập khác. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem những đặc điểm nào đã làm nên một thương hiệu mạnh qua những minh họa điển hình từ các thương hiệu nội địa này.

1. Thấu hiểu khách hàng mục tiêu

Thương hiệu mạnh là thương hiệu gắn kết được với tâm trí khách hàng. Mà sự gắn kết thì luôn đến từ sự thấu hiểu. Vì thế doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến để nắm bắt được thị hiếu khách hàng của mình.
dang-ky-3g-mobifone-1

Thương hiệu MobiFone đã áp dụng Big Data vào phân tích hành vi khách hàng để có cơ sở xây dựng các chương trình khuyến mãi, marketing, bán hàng đánh trúng tâm lý người dùng. Doanh thu từ các chương trình được số hóa này là 3.000 tỷ đồng. Nhờ đó, MobiFone đã kịp thời giữ chân được 500.000 khách hàng sắp rời mạng.
Sau những hiệu quả này, công ty đã lên kế hoạch phát triển theo hướng doanh nghiệp số. Theo đó, đại gia viễn thông này đã đầu tư nhất định vào cơ sở hạ tầng và nền tảng để phát triển Big Data và Cloud. Các nền tảng di động cũng được xây dựng và sẽ được đưa vào khai thác trong những năm tới.
Dự kiến, đầu năm 2016, MobiFone sẽ đẩy mạnh việc phát triển phần mềm cho cá nhân và doanh nghiệp. Cùng với đó, Big Data sẽ được khai thác thường xuyên hơn để phân tích chất lượng dịch vụ thông qua phản hồi của khách hàng để có biện pháp chăm sóc tốt hơn.

2. Khai thác được khác biệt so với đối thủ

Các thương hiệu mạnh luôn xác định rõ sự khác biệt của mình so với các đối thủ cạnh tranh và tập trung khai thác các điểm khác biệt này (USP) để truyền thông tới công chúng mục tiêu. Ngay cả với những sản phẩm rất thông thường, dường như không có nhiều lợi thế để khai thác, doanh nghiệp cũng vẫn có thể sáng tạo ra những ý tưởng thương hiệu nổi bật. Một ví dụ điển hình là thương hiệu Chinsu foods, sở hữu bởi tập đoàn Massan.
ChinSu_footer
Sự thành công vượt bậc của các sản phẩm từ Massan đến từ một vũ khí duy nhất mà trước đó chưa đối thủ nào dùng: đánh vào nỗi sợ hãi về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam. Chiến lược này được duy trì với hàng loạt các thông điệp cho các sản phẩm như Tam Thái Tử “nước tương không có 3-MCPD”, Nam Ngư - "Nước mắm không cặn” hay là Mì Omachi làm từ khoai tây "không lo bị nóng". Trong khi các đối thủ vẫn loanh quanh với những thông điệp chung chung nói về vị ngon như là "ngon tự nhiên", "thơm lừng", "vị ngon từ thịt", "hương vị đậm đà", "sợi ngon giòn" v.v... thì Chinsu foods lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Điều này có thể giúp lý giải phần nào sự thành công của thương hiệu giữa một thị trường thực phẩm cạnh tranh vô cùng khốc liệt tại Việt Nam.

3. Cam kết dựa trên giá trị lõi

Một thương hiệu mạnh còn là thương hiệu cam kết dựa trên những gì mình làm tốt nhất và cũng tập trung làm tốt nhất những gì mình đã cam kết.

Bất chấp các đại gia trong nước hay các thương hiệu toàn cầu, Trung Nguyên vượt lên và giữ vững vị thế số 1 của thị trường trong suốt nhiều năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200%/năm và đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ đô vào năm 2016. Để thực hiện điều đó, Trung Nguyên tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi giá trị cà phê toàn cầu và chỉ tập trung phát triển thế mạnh cốt lõi là cà phê.
Trung Nguyên vẫn được đánh giá là số 1 về cà phê rang xay, số 1 về cà phê hòa tan với sản phẩm G7. Trung Nguyên cũng đứng số 1 về chuỗi quán cà phê – với hơn 2.500 quán cà phê Trung Nguyên và 10.000 quán có bán cà phê Trung Nguyên, không thương hiệu nào vượt qua ông lớn này về hệ thống chuỗi quán. Hơn nữa, quán Trung Nguyên được định hình là không gian thúc đẩy, đánh thức sức mạnh sáng tạo, thể hiện cam kết của thương hiệu trong slogan là "Khơi nguồn sáng tạo". Với Không gian Cà phê Sách, Cà phê thứ bảy hay Hội quán Thanh Niên Sáng Tạo, Làng cà phê…. quán Trung Nguyên được giới tri thức, những người yêu sáng tạo yêu thích, chọn làm điểm đến.
Không chỉ tập trung phát triển các thương hiệu sản phẩm, Trung Nguyên được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong các dự án, kế hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam, như Cụm ngành cà phê quốc gia để thực hiện mô hình chế biến hết cà phê, dự án xây dựng Buôn Ma Thuột thành Thánh địa cà phê toàn cầu, đề xuất 4 nguyên tắc cộng tác đa phương và 7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu.

4. Sự nhất quán

Sự nhất quán trong xây dựng nhận diện thương hiệu là rất cần thiết để khách hàng và công chúng có một cảm nhận về thương hiệu đúng với mong đợi.
Logo Petrolimex
Nhận diện thương hiệu mới của Petrolimex
Với quyết tâm xây dựng Petrolimex thành tập đoàn kinh tế mạnh và năng động, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex trong toàn hệ thống, từ Công ty Mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến các công ty con - đơn vị thành viên Petrolimex tại Việt Nam và tại nước ngoài.
Nhận diện mới Petrolimex là sự phát triển kế thừa các giá trị cốt lõi quý báu, phát huy các tính cách tốt đẹp của nhận diện trước đây và thể hiện tầm nhìn “để tiến xa hơn”. Bên cạnh việc áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới, Petrolimex tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vận hành chương trình quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), rà soát các quy trình quy phạm, hoàn thiện công tác quản lý; kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu Petrolimex.

5. Kênh hiện diện đa dạng

Sự gắn kết của thương hiệu trong tâm trí khách hàng cần được duy trì thường xuyên và liên tục thông qua nhiều kênh khác nhau. Bởi xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài và cần đầu tư nhiều công sức. Khi công nghệ đã phát triển, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để tương tác với khách hàng của mình nhằm duy trì một kết nối bền vững.

Vietjet Air với định vị là hãng hàng không giá rẻ, đã tận dụng kênh Facebook như một kênh để giúp khách hàng của mình săn vé giá rẻ, đúng như slogan đã nói "Giá rẻ hơn, bay nhiều thêm". Hãng đã tích hợp một chức năng trên Facebook cho phép khách hàng đấu giá vé máy bay trực tuyến, tăng cơ hội bán hàng đồng thời quảng bá thương hiệu. Cũng cùng chung mục đích này, Trung Nguyên cho ra đời Đại siêu thị cà phê www.café.net.vn bên cạnh hệ thống quán cà phê liên tục mở mạnh mẽ. MobiFone dùng Big Data để tương tác với khách hàng. Vinamilk thì không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm bao trùm toàn bộ ngành sữa, với hệ thống phân phối rộng khắp và sử dụng mọi kênh truyền thông marketing có thể có từ quảng cáo, PR, sự kiện, CSR cho tới digital marketing. 
Để nhận thêm các tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia thiết kế thương hiệu, bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại đây.

0 nhận xét:

Post a Comment