Ôi ngày trước có nhiều thời gian để viết thì lại chưa có nhiều trải nghiệm, giờ có biết bao điều để viết ra nhưng lại không đủ thời gian để ngẫm và viết một cách tử tế. Đời nó cứ trớ trêu như thế.
Đây là khung cảnh Avenue of Stars một chiều mùa thu, trời nắng nhưng có mưa bóng mây
(cái đám mây đen đen kia kìa ;))
HONG KONG DU KÍ
Chuyến đi tới Hong Kong là một kỉ niệm đẹp đẽ của mùa thu năm nay.Có thể với người khác một chuyến đi chẳng là gì cả,bởi họ ko biết tận hưởng và cảm nhận những điều giản dị của cuộc sống.Trong tôi luôn là niềm khao khát đc “khoác ba lô lên và đi,đến nơi nào cũng được,nơi nào cũng được…”. Gần đây tôi luôn cảm thấy là cuộc đời quá ngắn ngủi, và mỗi phút giây trôi qua nhanh quá, nên tôi luôn muốn lưu giữ lại mọi khoảnh khắc tôi có được trong cuộc sống,thứ nhất là để thỏa mãn lòng hiếu kì to đùng của mình, thứ hai là để cho những cảm xúc không trôi tuột đi một cách lãng phí. Đến một vùng đất mới là một trải nghiệm quý giá,nên sẽ thật phí phạm nếu tôi không ghi lại những cảm xúc đó.
Hong Kong vào mùa thu lạnh thấu xương
Quả thật phát biểu ra câu này thì nghe rất trái tai vì Hong Kong chỉ cách Việt Nam có 1 tiếng rưỡi đồng hồ bay.Nhưng đúng là ngay khi vừa đặt chân tới sân bay quốc tế Hong Kong, thì cảm nghĩ đầu tiên của tôi là sao mà lại lạnh thế không biết. Ở đây người ta để điều hòa ở nhiệt độ rất thấp, chắc chỉ mười mấy độ thôi ấy.Trên người chỉ mặc mỗi chiếc áo thun với cái quần ngố, tôi vừa kéo hành lý vừa co ro vì lạnh, cho nên lúc ấy trông tôi như đang phải kéo cả một thùng sắt sau lưng vậy, mặc dù va li của tôi chỉ nhẹ hều.Thế nhưng cái lạnh chẳng làm nguội đi tinh thần phấn chấn của tôi mỗi khi được đặt chân đến một vùng đất mới. Cuộc hành trình đầu tiên khi đến Hong Kong chính là vượt… sân bay. Bởi sân bay quốc tế Hong Kong rộng đến mênh mang xứ sở. Nó có tên gọi khác là sân bay Chek Lap Kok, nằm trên đảo Lạn Đầu, là một trong những sân bay tốt nhất của châu Á và thế giới. Liên tục trong các năm từ 2001 đến 2005 và từ 2007 đến 2008 nó đã được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới theo số liệu của Skytrax, riêng năm 2006 bị sân bay Changi của Singapore soán ngôi. TÍnh về độ cao thì sân bay đã có đến 7 tầng, còn về bề rộng thì dĩ nhiên là vượt xa khả năng ước lượng kém cỏi của tôi, và nếu không có người chỉ dẫn tôi đoan chắc là tôi sẽ lạc đường trong mê cung các tầng lầu, cầu thang cuốn và cả bến tàu điện ngầm nằm trong sân bay. Tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm nghĩ rộng thế này mà họ lại để nhiệt độ quá thấp như vậy, đúng là một sự lãng phí lớn.Trong khi cả thế giới đang kêu gọi tiết kiệm nhiên liệu và nguồn tài nguyên vì tương lai thì Hong Kong lại phí phạm thế này sao. Không biết họ có tham gia Giờ Trái đất mấy năm trước không? Mà cũng chẳng cần họ phải tham gia, chỉ cần họ nâng nhiệt độ của cái sân bay Chek Lap Kok này lên 1 độ thôi là cũng tiết kiệm được cả cơ số điện rồi ấy.
Không chỉ trong sân bay, về sau tôi đến các cửa hàng hay các nhà hàng cũng lạnh thấu như vậy. Khi đó mới được biết là ở Hong Kong quy định tất cả các nơi đều phải để nhiệt độ thấp như thế cả, quy định hẳn hoi đấy nhé. Mà ở Hong Kong, một ngày bình thường của một người bình thường sẽ là ra khỏi nhà, chui vào ô tô, hoặc xe buýt,không thì là xe điện ngầm, đến nơi thì chui vào phòng làm việc, rồi vào tiệm ăn, hoặc tối thì vào bar, rồi lại chui vào xe, về nhà. Nơi nào cũng lạnh như vậy thì chẳng phải coi như là ở Hong Kong lạnh thấu xương sao. Mà mùa nào cũng lạnh vậy hết, chẳng cứ gì mùa thu.
Lúc mới đến tôi cứ xuýt xoa vì tiếc là mình đã không mang đi chiếc áo khoác nào.Trước khi đi tôi đã ngâm cứu kĩ thời tiết Hong Kong trên trang Hong Kong Observatory hẳn hoi để chuẩn bị đồ mang theo rồi ấy chứ. Ai mà ngờ được tình huống này. Lần sau phải rút kinh nghiệm khi đi đâu là không chỉ cân nhắc thời tiết tự nhiên mà phải cân nhắc cả thời tiết do con người tạo ra nữa. Mà những thứ nhân tạo bây giờ là hơn những thứ thiên tạo nhiều lắm.
Ở Hong Kong, trời vẫn sáng suốt đêm
Vâng,người Hong Kong không chỉ làm thay đổi được thời tiết mà còn làm thay đổi được cả chu kì quay của Mặt trời.Và ở đây thì ban đêm trời vẫn sáng rực như ban ngày. Nói vậy thôi,không phải là như hiện tượng Đêm trắng ở Nga đâu, họ làm trời sáng bằng sự rực rỡ hoa lệ từ ánh sáng đèn điện của họ.Khỏi phải nói thêm thì cũng đã thấy đc sự tiêu pha điện ở Hong Kong là vô cùng khủng. Đồng thời tôi cũng đc cho biết là Hong Kong sản xuất được điện nguyên tử – cũng là thứ duy nhất họ sản xuất được, còn lại đều nhập khẩu - nên họ tiêu điện vô tội vạ như vậy.
Phải dạo phố ban đêm, bạn mới thấy được một Hong Kong đúng như bản chất của nó- “một thành phố không bao giờ ngủ” theo cách gọi của nhiều người.Tôi có dịp 2 lần ghé qua hải cảng của đại gia Lý Gia Thành danh tiếng lẫy lừng- 1 lần vào ban ngày và 1 lần vào ban tối. Lần đầu đi vào ban ngày đã không khỏi cảm thấy xuýt xoa ôi chao là hoành tráng, đến lần sau đi qua vào buổi tối được chứng kiến cảnh hải cảng lên đèn rực rỡ mới thật là ấn tượng. Chỉ cần thấy cảnh đó thôi cũng là đủ để cảm nhận được sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động của Hong Kong-một con rồng của Châu Á.
“Thành phố không bao giờ ngủ” vì con người cũng không bao giờ ngủ. Người Hong Kong làm việc cũng ác mà ăn chơi cũng ác chả kém. Thật thú vị là chúng tôi lại trọ ngay trên Henessy Road- phố đèn đỏ của Hong Kong. Buổi tối đi dọc phố này thấy cơ man toàn là pub với bar, rất ồn ã náo nhiệt. Khách tới uống rượu đứng tràn từ trong quán ra tới vỉa hè, mà vỉa hè ở Hong Kong không rộng lắm nên có khi đứng tràn ra cả ra đường luôn. Khách Tây rất đông, họ đứng túm tụm thành từng nhóm, mỗi người cầm một ly rượu lớn vừa cụng vừa nói cười phớ lớ. Những bar nào cửa khép hờ thì luôn có sẵn mấy em xinh đẹp chân dài tới nách ngồi vắt vẻo lả lướt ngay trước cửa mời chào. Chúng tôi bước vào cửa hàng Seven Eleven, được giới thiệu từ trước là ở đây bán đồ rẻ hơn nhữnng cửa hàng khác nên cũng vào nghía thử. Tôi mua một tấm bản đồ 25 $HK và giở xem. Con phố này thuộc khu Wan Chai, là một khu phố cổ của Hong Kong nên tên các tuyến phố chính đều lấy tên gốc Anh cả, như là Johnston Rd, Kenedy Rd,Thompson Rd,Arsenal St,Queen’s Rd…Dân Anh hồi xưa khi ở Hong Kong rất hay ăn chơi giải trí ở khu này. Đi lòng vòng một hồi quanh khu Wan Chai, thấy chỗ nào cũng đèn điện sáng rực.Người Hong Kong sống về đêm nên chỗ nào có người là chỗ ấy có điện.Taxi,xe buýt 2 tầng và xe buýt con- 3 loại xe có thể nhìn thấy nhiều nhất trên đường phố Hong Kong- cũng chạy suốt đêm không nghỉ. Nẳm ngủ ban đêm, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy ánh đèn điện hắt lên sáng rực cả trời- một bầu trời đêm rất lạ đối với một con người đang trong cuộc phiêu lưu trên một miền đất xa xăm…
Hình ảnh tôi nhớ nhất về Hong Kong có lẽ là hình ảnh hòn đảo rực sáng trong đêm khi nhìn từ trên trời xuống. Một Hong Kong hoa lệ,năng động và hiện đại hay như cách gọi hoa mỹ của nhiều người là “Viên ngọc của châu Á”,với riêng tôi sẽ mãi là “hòn đảo rực sáng trong đêm”.
Hong Kong- siêu cao, siêu mỏng, siêu bé
Những cái “siêu” đó tôi dành để gọi các tòa nhà chung cư ở đây. Vì chúng cao chót vót, mỏng xép lẹp và mỗi căn thì bé tí tẹo. Ở Hong Kong đất quý như vàng, bởi dân thì đông mà đất đai thì ít. Họ tiết kiệm không gian một cách tối đa, cho nên nhà thì xây càng cao càng tốt, mỗi tầng chỉ cao khoảng 3m gì đó thôi, căn hộ thì bé tẹo như chuồng chim vậy. Tôi đến Hong Kong đúng vào ngày 16 rằm trung thu, nên vẫn hí hửng sẽ được ngắm full moon ở Hong Kong năm nay. Nhưng tôi đã bị thất vọng vì ở trong khu trung tâm này nhà cao quá, mà lại sát nhau nên che hết cả trăng rồi, còn đâu mà ngắm được. Khi mới tới,tôi tự hỏi ở HK có chỗ cho lối sống thanh bình tận hưởng không, hay ai cũng lao vào guồng quay nhịp sống với tốc độ chóng mặt kiểu công nghiệp hiện đại? Cứ nhìn kiểu thiết kế của các tòa nhà chung cư thì biết. Những tòa nhà này đc thiết kế hết sức thực dụng,theo tôi thì không có tí thẩm mỹ nào.Những tòa nhà kiểu này phố biển nhất ở Hong Kong. Nhà siêu mỏng ở Việt Nam thì chưa là gì so với Hong Kong,nhưng dĩ nhiên chất lượng công trình của họ tốt nên chả có vấn đề gì xảy ra cả. Có thể chúng ta sẽ không hiểu được là nhà bé vậy thì ở chịu sao nổi. Nhưng như vậy là hợp với cách sống của người Hong Kong. Bởi họ chỉ coi nhà như nơi về ngủ thôi,kê được cái giường cái tủ là ổn rồi,còn đâu là họ sống ngoài đường và trong phòng làm việc kìa, ăn thì ăn ngoài tiệm thôi,chơi thì …ở Hong Kong chả thiếu chỗ chơi-thiên đường giải trí mà.Họ không bao giờ mời người khác về nhà (vì chẳng có chỗ tiếp khách).Cho nên ở Hong Kong trong khi ngành dịch vụ rất phát triển thì ngành kinh doanh nội thất lại không có đất sống.
Lại nói về chuyện tiết kiệm không gian, họ đào đường qua núi,làm đường ngầm qua eo biển, san núi làm sân bay, tất tật những gì có thể tận dụng đc chút diện tích nhỏ xíu của hòn đảo này. Một điều kinh khủng khi đến Hong Kong là khi bước vào tầng trệt của các tòa nhà bình thường (hay là tầng ngầm dưới mặt đất) thì khi ngẩng đầu lên sẽ thấy hàng dãy những đường ống ga ống nước và hầm bà lằng những loại ống gì khác không rõ,đan nhau chằng chịt trên trần nhà, trông rất sợ, giống như cảm giác khi nhìn hàng búi dây điện treo lủng lẳng ngoài đường phố ở Việt Nam vậy.
Giá nhà đất ở Hong Kong vào loại cao nhất của thế giới, đặc biệt ở khu Causeway Bay. Những người dân bình thường thì chủ yếu sống trong chung cư ở khu trung tâm và đi xe công cộng (vì có mua xe thì cũng ko có chỗ để, có khi tiền thuê bãi để xe còn đắt hơn tiền mua xe ý chứ). Còn các đại gia thực sự lắm tiền thì mới mua xe và mua nhà riêng, thường là nhà ở trên núi. Ghé qua khu Repulse Bay (nổi tiếng với cái tên Vịnh nước cạn),tôi được chiêm ngưỡng từ xa những biệt thự trên núi của các đại gia. Đây là khu ngoại ô nên có cảnh thiên nhiên núi non với biển rất đẹp và thơ mộng- một điểm nhấn cuốn hút giữa một Hong Kong ồn ào náo nhiệt. Ra đây ngắm cảnh thấy thanh thản vì tránh xa được cái huyên náo của vùng trung tâm. Hôm tôi tới đây là ngày cuối tuần nên người dân ra đây picnic khá đông, chủ yếu là dân Hong Kong chứ ko chỉ có du khách. Khi đi vòng qua núi chúng tôi có đi qua nhà của Jackie Chan, chỉ nhìn thấy cái cổng thôi vì nhà sâu tít trong núi. Ngoài cổng có biển đề số nhà 99 Repulse Bay- đúng là đại gia là phải chọn số đẹp.
Một điều thú vị mà tôi có ấn tượng về “đất tiền đất vàng” ở Hong Kong là khi đc đến thăm trung tâm hội nghị quốc gia nơi trao trả Hong Kong về Trung Quốc năm 1997, được chiêm ngưỡng hoa Dương Tử Kinh biểu tượng của Hong Kong bằng vàng. Sau hôm đó tôi cứ để ý tìm hoa Dương Tử Kinh thật mà không đc.Thứ nhất là vì chưa đến mùa hoa nở, thứ 2 là vì Hong Kong thiếu đất thế này, chẳng có chỗ trồng cây thì lấy đâu chỗ cho hoa nở J Thế nên mới bảo “đất tiền đất vàng” , chẳng thấy hoa thật đâu chỉ thấy hoa bằng vàng thôi.
Hong Kong- sự va chạm 2 nền văn hóa Đông Tây
Có lẽ đối với tôi, điểm hấp dẫn nhất của Hong Kong chính là sự đan xen hòa quyện của 2 nền văn hóa Đông Tây ở đây.Tại sao vừa nói là “va chạm” tôi lại bảo là “hòa quyện”? Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn, nhưng sự thực là vậy, khi mới tới đây bạn sẽ thấy sự “va chạm”,và khi đã quen với nó bạn sẽ thấy đó là sự “hòa quyện” hoàn hảo. Tôi vốn ưa thích những thứ trộn lẫn kiểu này. Ví dụ như tôi thích món cơm rang và mì trộn. Cơm rang có cơm, trứng, hành lá, giò thái con chì tí xíu, thêm tí đậu Hà Lan và cà rốt,tất cả trộn đều trên chảo với dầu, đảo qua đảo lại thơm lừng cả mũi. Rồi thì món mì trộn đều với nước sốt cà chua và thịt băm, hành tây và dầu olive thật là ngon lành. Tôi cũng thích trộn nem nữa ,cái cảm giác được nhìn thấy trứng gà đỏ tan ra và quyện vào thịt thật thích thú làm sao.Nó cũng từa tựa như cảm giác khi trộn màu vẽ vậy, hãy thử lấy màu xanh thẫm trộn với một ít màu đỏ, một ít vàng và thêm màu trắng, sẽ ra một thứ màu tím ngọc rất đẹp vậy. Những thứ bày ra trước mặt thì đều chỉ như nhau, nhưng với cảm nhận của mỗi người thì chúng sẽ trở nên rất khác nhau.Với tôi thì mọi thứ đều có những nét đẹp tiềm ẩn riêng, nhất là khi chúng được trộn lẫn với nhau sẽ tạo nên một thứ khác rất mới mẻ.
Điểm đầu tiên là ở kiến trúc. Kiểu kiến trúc thấy đc ở Hong Kong nhiều nhất là kiến trúc phương Tây. Mà chủ yếu là kiến trúc phương Tây hiện đại, kiến trúc phương Tây cổ kính thì ít hơn. Tòa nhà đặc trưng cho thiết kế hiện đại ở HK mà tôi có ấn tượng là Bank of China Tower, xây năm 1990. Sách du lịch Lonely Planet miêu tả nó thế này: “ The asymmetry of the building is puzzling at first glance, but it’s really a simple geometric exercise. Rising from the ground like a cube, it is successively reduced, quarter by quarter, until the south-facing side is left to rise upward on its own. Many local Hong Kong Chinese see the building as a huge violation of the principles of feng shui. For example, the bank’s four triangular prisms are negative symbols in the geomancer’s rule book; being the opposite to circles, these triangles contradict what circles suggest – money, prosperity and perfection.” (feng shui ở đây chính là phiên âm của chữ “phong thủy”,có lẽ trong tiếng Anh ko có khái niệm này). Nó được thiêt kế bởi 1 nhà thiết kế người Mỹ sinh ra tại Trung Quốc nên bản thân nó cũng đã mang những nét giao thoa của 2 nền văn hóa: những đường nét hiện đại phong cách Mỹ nhưng lại chứa những lý thuyết vê phong thủy của người Trung Quốc.
Các tòa nhà có kiến trúc cổ kính hầu hết là các tòa nhà cổ do Anh quốc để lại từ xưa, không có các đường nét táo bạo và ấn tương như các thiết kế hiện đại nhưng tôi lại ưa thích chúng hơn, cũng giống như tôi vấn thích phong cách cổ kính rêu phong kiểu Âu hơn là phong cách hiện đại kiểu Mỹ vậy.Về kiểu cổ kính thì đặc sắc nhất phải kể đến là khách sạn Peninsula ở khu Tsim Sha Tsui. Khách sạn với thiết kế đặc trưng của Anh này đã đc ghi danh trong cuốn “1000 places to see before you die” với tựa “Tea at Peninsula”.Tôi chưa đc vào bên trong ngồi uống trà mà chỉ đứng ngắm ở ngoài thôi. Cũng tựa như cảm giác đang đứng trước khách sạn Metropole kiểu Pháp ở Hà Nội vậy. Những vùng đất thuộc địa luôn còn sót lại những di tích về kiến trúc của mẫu quốc mà sau này sẽ trở thành những điểm đến đậm chất lịch sử và văn hóa cho du khách thỏa sức khám phá.
Kiến trúc Trung Hoa ở Hong Kong thì chủ yếu có ở các miếu, đền thờ. Nhưng có một đặc điểm là các thiết kế có màu sắc rất sặc sỡ, theo kiểu mới chứ không phải như các thiết kế kiểu Trung Hoa truyền thống cổ kính mà ta hay thấy trong các phim dã sử. Lấy miếu Thiên Hậu làm ví dụ. Khi vào đây, từ cổng vào đến cổng phụ, rồi cầu và các bức tượng đều trang trí màu xanh đỏ vàng rất tươi. Ẩn chứa trong công trình kiểu Trung Hoa này là hình ảnh một Hong Kong rất hiện đại và đổi mới.
Một trải nghiệm rõ rệt về sự giao thoa văn hóa là khi tôi tới khu vịnh gần Wong Chuk Hang. Đây là nơi đậu du thuyền của các đại gia và minh tinh màn bạc Hong Kong. Mấy chiếc du thuyền trắng muốt đẹp đẽ như những con thiên nga lướt qua lại trên mặt biển, số còn lại nằm đậu ngay ngắn thành hàng ngay gần bờ, trên boong phải có đến mấy người đang làm nhiệm vụ kì cọ tắm rửa cho các “chú thiên nga” thêm bóng loáng. Xung quanh đó là các tòa nhà cao tầng vun vút vươn cao. Nhưng giữa khu vịnh đậm chất Tây đó nổi bật lên là một kiến trúc đặc trưng của Trung Hoa. Đó là nhà hàng nổi Jumbo với màu đỏ rực rỡ và đường nét trang trí cầu kì kiểu cách. Bên trong được thiết kế nội thất sang trọng với hoa văn trang trí hình rồng và các họa tiết kiểu Trung Quốc rất tỉ mỉ, sáng rực rỡ trong ánh đèn chùm màu vàng.Nhiều người nói chưa tới đây là coi như chưa tới Hong Kong ,tuy nhiên món ăn ở đây không ngon như tôi mong đợi. Ấn tượng về Jumbo đối với tôi chỉ là về thiết kế hoành tráng của nó chứ không ở món ăn.
Nếu muốn có một trải nghiệm tương tự như vậy, bạn hãy đến các khu chợ của Hong Kong vào ban đêm. Lady market chẳng hạn. Nó là khu buôn bán sầm uất ở Mong Kok,thuộc bán đảo Cửu Long. Khu này chỉ nằm phía trên khi Tsim Sha Tsui một tí thôi. Phải đến những khu thế này mới thấy Hong Kong được mệnh danh là thiên đường mua sắm quả không sai tí nào. Hàng dãy những biển hiệu cửa hàng sáng rực rỡ tên các thương hiệu nổi tiếng thế giới,chủ yếu là thời trang với mỹ phẩm. Có nhiều người đến Hong Kong chỉ để săn lùng hàng hiệu, vì bất cứ thương hiệu xịn nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở Hong Kong. Tôi không thuộc dạng nghiền shopping nên tới đây cũng chẳng lùng đồ gì hết, với lại giá cũng chát nên chỉ ngắm nghía là chính. Nhưng nếu muốn mua hàng hiệu với giá hơi mềm thì có thể tìm tới cửa hiệu của Bossini và G2000 ở đây, được sale khá nhiều và giá cả tương đối phải chăng. Còn nếu tiền bạc chẳng là vấn đề đối với bạn, và bạn là một shopaholic chính hiệu thì đây đúng là thiên đường của bạn.(Hoặc bạn cũng chẳng cần vào đến tận Hong Kong,chỉ cần đặt chân đến sân bay thôi là cũng tha hồ mua sắm rồi. Sân bay khổng lồ Chek Lap Kok có hẳn 1 tầng- rộng tỉ lệ với sự khổng lồ đã đc nói đến- là dành cho shopping. Hàng hiệu của thế giới thì không cần phải nói, còn hàng hiệu của Hong Kong cũng thiết kế rất đẹp, tuy tôi không mua đươc gì nhưng đi ngắm để tăng óc thẩm mỹ thì cũng rất thích). Lại nói về chủ đề chính là sự va chạm văn hóa, đối diện những siêu thị hàng hiệu sáng loáng là những quán ăn nhỏ giản dị đậm chất Á Đông với thịt xiên, chả băm viên tròn hay các loại bánh rán vàng rộm trông đến là ngon mắt. Đi giữa đường va ngắm dãy cửa hàng cửa hiệu ở 2 bên đường,chúng ta có thể cảm nhận khá rõ sự va chạm đó.T ình cờ tôi còn nhìn thấy một biển hiệu rất nổi đề “Phở Quán ăn Việt Nam” treo ngay ở giữa rất thu hút.
Ở đây có rất nhiều các nghệ sĩ đường phố biểu diễn giữa đường, từ hát hò, diễn xiếc hay nhảy hip hop, giống kiêu bên Tây ra trò nhưng tiết mục dĩ nhiên là theo kiểu Trung Hoa.Nhưng mấy người tôi gặp thì thật sự là tôi thấy họ biểu diễn chẳng hay tẹo nào. Có một bà mặc bohemieng với mũ phớt,trang điểm đậm chất Hong Kong hát bài gì đó nghe như ca cải lương vậy. Riêng cái tiếng Hong Kong thì nghe đã chán rồi nên nói chung là tôi nghe ko hay gì cả.Ở HK người dân nói tiếng Quảng Đông-còn gọi là Cantonese Chinese, còn tiếng Trung Quốc phổ thông là tiếng ở Bắc Kinh-còn gọi là Mandarin Chinese.Tiếng Quảng Đông nghe rất kinh khủng và dường như nó là một thứ ngôn ngữ khác hẳn chứ không còn là Trung Quốc nữa, mặc dù chữ viết là như nhau. Dù học 2 năm tiếng Trung nhưng đến đây tôi ko thể dùng đc một chữ nào vì ko nghe ra họ nói gì,chỉ có thể dùng tiếng Anh thôi.Một ví dụ cụ thể minh họa cho sự “chán ốm” của tiếng Quảng Đông là: từ Hà Nội,trong khi tiếng Trung Quốc đọc là “he nei” nghe hay bao nhiêu thì tiếng Quảng đọc là “ha loi” nghe khó chịu bấy nhiêu.
Nói đến văn hóa ở Hong Kong thì thể hiện rõ nhất là ở cách sống của con người nơi đây. Có lẽ đặc điểm này tôi sẽ ko nhận ra nếu như ko rời HK và đến với một “Trung Quốc thực sự”-tức là một nơi khác chưa từng là thuộc địa của phương Tây.Ở Hong Kong người ta cũng da vàng mắt đen, cũng ăn các món ăn Trung Hoa, cũng tin sái cổ vào phong thủy và văn hóa Kì hưu- như mọi người dân đất nước phương Bắc vậy. Nhưng khi tới Thâm Quyến- thành phố trẻ của Trung Quốc đại lục, tôi có dịp so sánh phong cách sống của người dân 2 nơi này. Ở Thâm Quyến cũng là cuộc sống hiện đại và công nghiệp- như câu khẩu hiệu “Time is money.Life is effeciency” tôi thấy ở ngoài đường phố. Thậm chí cuộc sống ở Thâm Quyến còn có vẻ tiên tiến và dễ chịu hơn vì khắp nơi đều phủ một màu tươi mát của cây xanh,đường phố cũng rộng rãi thoáng mát hơn.Nhưng có vài điểm rất khác biệt ở con người. Ở Thâm Quyến người dân tham gia giao thông lộn xộn hơn hẳn, người đi bộ qua đường không thèm chú ý đèn tín hiệu, taxi thì đi vớ vẩn (giống ở Việt Nam vậy). Nhà hàng cao ốc thì đẹp nhưng các khu vệ sinh công cộng thì ko được “vệ sinh” cho lắm. Cây xanh rất nhiều nhưng ra đường vẫn nhiều bụi,và còn thấy được cả bãi rác “lộ thiên” nữa. Còn ở Hong Kong,dù ít cây nhưng không hiểu sao ra đường không có một tí bụi nào, cứ thử phơi mình ngoài đường một ngày rồi về rửa mặt thì sẽ thấy ngay bạn ạ. Người dân có phong cách của một đất nước công nghiệp phát triển. Họ tuân thủ chặt chẽ mọi quy định đặt ra, nhìn cách họ tham gia giao thông thì rõ ngay thôi. Ở Hong Kong cũng tắc đường kẹt xe rất ghê,vì đất đai chật chội quá, dù đã tận dụng mọi không gian để thiết kế hệ thống MTR và cao tốc trên không. Nhưng ngay trong cảnh tắc đường, xe cộ đi vẫn rất trật tự,thậm chí xe đã đi ở làn đường nào là đi đúng làn đó,ko hề lách lên dù các làn xe khác còn trống. Người Hong Kong sống rất thoáng,chỉ tập trung sống tốt cuộc sống của mình chứ ko hay “săm soi” người khác như tính cách thường thấy của người châu Á nói chung. Tiếp xúc với các chị bán hàng người Hong Kong cũng thấy dễ chịu hơn ở Thâm Quyến, họ thoải mái với khách hàng hơn chứ không như một số chị người Thâm Quyến- mời chào thì ghê mà không bán đc hàng lại tỏ thái độ này nọ. Nói chung tôi có thấy người dân Hong Kong văn minh hơn và thoáng hơn. Hẳn là do 100 năm đã bị “Anh hóa”, nên họ sống và làm việc theo kiểu tư bản rồi. Cho nên tôi mới thấy Hong Kong Bây giờ người Trung Quốc sang nhập cư rất đông vì chính sách xã hội ở Hong Kong rất tốt, một đứa trẻ sinh ra sẽ đc nuôi ăn học tới 18 tuổi, giống hệt kiểu của các nước phương Tây và một số nước châu Á tiến bộ hiện nay. Thành ra có khi sau này dân Hong Kong sẽ bị “Trung Quốc hóa” trở lại cũng nên ( và rất có thể da dẻ sẽ ko còn trắng hồng như bây giờ nữa ^^)
Victoria Harbour- one of “1000 places to see beofore you die”
Cùng với Peninsula thì Victoria Harbour cũng là 1 trong 2 địa danh của HK đc giới thiệu trong cuốn sách này.Victoria Harbour nằm ở trung tâm của toàn bộ Hong Kong,nó ở giữa eo vịnh phân cách đảo Hong Kong với bán đảo Cửu Long (Kow Loon).Có thể đứng ở tòa nhà trung tâm hội nghị quốc gia nhìn từ đảo Hong Kong sang bán đảo Cửu Long hoặc đứng từ Avenue of Stars ở bán đảo Cửu Long nhìn ngược lại qua Victoria Harbour.Góc nhìn thứ 2 view đẹp hơn hẳn vì bên đảo Hong Kong nhà cao và đẹp hơn. Tôi đặc biệt thích thú khi đến Avenue of Stars – đại lộ các ngôi sao. Avenue of Stars đc giới thiệu trong "Lonely Planet" như sau:"One of the finest city skylines in the world".Đây đúng là một khung cảnh lãng mạn hiếm có của Hong Kong .Thật sự tôi rất thích những thành phố nằm trên vịnh biển hoặc trên sông nước kiểu này,giống như Sydney hay Venice chẳng hạn.
Avenue of Stars sẽ đặc biệt có ý nghĩa với những ai yêu thích điện ảnh Hong Kong vì đây là nơi ghi dấu tay và chữ kí của các minh tinh xứ này.Nhưng các dấu ấn này lại in dưới đất nên cảm tưởng như người ta đi trên đại lộ giống như là đang giẫm đạp lên các ngôi sao ấy.Tôi thích điện ảnh Trung Quốc thôi, nên nếu nơi này in dấu tay dấu chân của Tứ đại hoa đán hay Tứ đại tiểu sinh thì tôi sẽ hào hứng lắm đấy.Chứ các bác diễn viên Hong Kong thì tôi chẳng biết bác nào với bác nào, có chăng cũng chỉ biết Jackie Chan hay Andy Lau thôi.
Disneyland Hong Kong-giấc mơ cổ tích trở thành sự thực
Đây là địa điểm tôi thích nhất tại Hong Kong vì những cảm xúc tôi có được ở đây có lẽ sẽ là những cảm xúc tuyệt vời nhất mà tôi ko thể nào quên đc.Công viên này có 4 khu chính là Fantasy land- gồm những trò chơi dành cho trẻ con,khu Adventure land –gồm những trò chơi dành cho thanh thiếu niên,khu Tomorrow land là những trò kiểu như khám phá vũ trụ,thế giới tương lai,khoa học viễn tưởng,và khu Main Street Land đc xây dựng như những thành phố ở Mỹ đầu thế kỉ 20. Các trò chơi thì dĩ nhiên là đặc sắc rồi,nhưng cái mà tôi say mê nhất chính là đc đắm mình trong không gian của thế giới thần tiên với những nhân vật tôi chỉ biết qua phim ảnh và truyện cổ tích.Tôi bị cuốn hút ngay từ điệu nhạc du dương thần tiên khi bước vào cổng công viên.Chúng tôi đến lúc khoảng gần 3h chiều- là lúc sắp đến giờ biểu diễn đại nhạc hội đường phố đc tổ chức hàng ngày tại Main Street Land. Vì đã biết trước nên tôi rất háo hức đứng xếp hàng trước để chọn chỗ đứng xem cho đẹp.Đại nhạc hội mang tên Disney on Parade vô cùng hoành tráng và vui nhộn. THật khó diễn tả đc cảm xúc khi đc gặp Alice cùng chú thỏ trắng đãng trí,cả bà hoàng hậu trong “Alice in wonderland” trông rất là hay. Khi đọc truyện này tôi thấy cái bà Hoàng hậu này vừa đáng ghét lại vừa nhộn. Rồi thì Cinderalla,nàng tiên cá và nàng Bạch Tuyết xinh đẹp tuyệt trần đúng kiểu cổ tích thoát tục,cũng nhảy múa tung tăng trên các tòa lâu đài tráng lệ,ko thể tin là trên đời lại có những cô công chúa đẹp như thế. Tiếp sau đấy là Mickey,Minnie,Donal,Daisy và Pluto nữa. Cả các nhân vật trong Toy Story cũng ra vẫy chào khán giả như thật J Đám đông xung quanh thì phấn khích vỗ tay ầm ĩ. Hiệu ứng âm thanh đc sử dụng rất thành công khiến khán giả chỉ muốn nhảy múa lắc lư cùng các nhân vật.Trong bài hát có đoạn “Yes,you believe that dream comes true…” Đúng là lúc đó tôi có cảm giác như vậy thật. Cả khi ngồi trong phòng phim 3D cũng vậy,cảm xúc dâng trào mãnh liệt khi đc ngồi trên thảm bay cùng Aladin và công chúa trong giai điệu ngọt ngào hứng khởi của “The whole new world”.Nếu là xem một bộ phim 3D bom tấn nào đó thì sẽ ko có cảm giác đặc biệt đến vậy. Vì những nhân vật hoạt hình của Walt Disney đã là một phần của tuổi thơ tôi, từ Bạch Tuyết đến Cinderalla,Ariel,Belle & The beast,rồi Aladin,Lion King…Phút giây đó đưa tâm thức tôi ngược dòng thời gian trở lại những ngày xưa,giống như nhà phê bình ẩm thực nọ đã đc về lại tuổi thơ khi ăn món rau hầm của Ratatouille. Đó là cái hồi còn mê mẩn với truyện cổ tích va phim hoạt hình,đc biết đến thảm bay và ước ao mình cũng đc bay như thế. Hồi bé,trong những khả năng siêu nhiên mà tôi được biết đến, tôi vẫn thích đc bay nhất,và khi ngủ tôi rất hay mơ là mình đc bay đến những nơi vô cùng đẹp đẽ,có thung lũng và đồng cỏ xanh mướt. Lớn lên tôi ko còn có những giấc mơ kì thú trẻ con đó nữa,và thỉnh thoảng tôi vẫn tiếc nhớ những giấc mơ ấy.Với mỗi chúng ta,ngoài hồi ức về một cuộc tình ra,thì hồi ức về tuổi thơ là một miền kí ức nhạy cảm và thiêng liêng nhất,chỉ cần chạm nhẹ vào là đã đủ khiến tâm hồn chúng ta rung động xốn xang. Disneyland là nơi mà giấc mơ tuổi thơ trở thành sự thực. Ko hiểu sao sau khi đến đây, tôi cảm thấy có nhiều niềm tin hơn,yêu cuộc sống hơn – giống như cảm giác một tâm hồn đang trưởng thành còn vương chút trẻ thơ vừa tìm đc nơi nương tựa.Đôi lúc tôi vẫn cảm thấy mình giống Holden Caufield – anh chàng mới lớn luôn muốn níu giữ tuổi thơ,luôn lẩm nhẩm bài hát “bắt trẻ đồng xanh” và chỉ có một ước mơ là sẽ đứng ở một đồng cỏ trên núi để làm nhiệm vụ đỡ những đứa trẻ bị rơi ra khỏi cánh đồng xanh mướt tuổi thơ của chúng.Và tâm hồn Holden dường như đã tìm đc nơi nương tựa khi anh dắt tay đứa em gái nhỏ đi trên con đường trải dài trước mắt (– đó là một cuốn tiểu thuyết ưa thích của tôi).Thì đây,cảm giác của tôi lúc ấy cũng gần giống như vậy.
Một ngày nào đó nếu như trên đường đời tôi có gặp điều gì đau khổ hay đổ vỡ, nhất định tôi sẽ nghĩ đến Disneyland như là một điểm đến để tìm lại niềm hứng khởi.Có thể sẽ ko ở Hong Kong mà là Disneyland ở một nước khác cũng được,nhưng dĩ nhiên ở Hong Kong là gần nhất (và chắc là rẻ nhất). Hoặc nếu tôi có con,tôi cũng sẽ cố gắng cho chúng tới đây, tuổi đẹp nhất để vào đây theo tôi là khoảng 16-17tuổi, nhỏ hơn thì chúng sẽ ko có cảm xúc đặc biệt lắm. Hoặc nếu ko phải cả hai trường hợp trên, chỉ là tình cờ tôi đc trở lại đây, thì tôi cũng sẽ vô cùng hạnh phúc, khi lần thứ hai đc trở về với giấc mơ xưa cũ đẹp đẽ và vô tư.
Ha Thu Ng-Tháng 9 năm 2010
0 nhận xét:
Post a Comment