vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Friday 2 October 2015

Cái chết của Nghệ sĩ – và sự ra đời của Doanh Nhân Sáng Tạo

William Deresiewicz, tháng 12 năm 2014
Nghệ nhân cần cù, thiên tài cô độc, chuyên gia được công nhận – hình ảnh của người nghệ sĩ đã thay đổi hoàn toàn qua nhiều thế kỉ.Điều gì sẽ xảy ra khi sự thay đổi hình ảnh hiện tại của người nghệ sĩ đồng nghĩa với sự kết thúc của nghệ thuật như ta đã từng biết tới nó?

Hãy đọc to lên từ NGHỆ SĨ, để mường tượng hình ảnh một thiên tài đơn độc. Một thứ anh hoa (aura) thiêng liêng vẫn gắn chặt với từ này, một cảm giác về một cá nhân gắn kết với một điều bí ẩn.“Anh ấy là nghệ sĩ,” chúng ta vẫn nói vậy với thái độ tôn trọng khi nhắc tới một diễn viên, nhạc sĩ hay đạo diễn. “Một nghệ sĩ đích thực,” cụm từ chỉ một người ở vị thế cao hơn, thường được chúng ta sử dụng khi tuyên bố trịnh trọng về ca sĩ hay nhiếp ảnh gia yêu thích của mình. Tầm nhìn, cảm hứng, những tài năng bí ẩn trời trao: đó là một vài trong những liên tưởng tiếp tục tô điểm cho từ này.
Tuy nhiên, khái niệm về người nghệ sĩ như một thiên tài đơn độc – một lực đẩy văn hóa mạnh mẽ, mang tính chất quyết định trong cách chúng ta định nghĩa về sáng tạo nói chung – đã lạc hậu hàng thập kỉ nay. Lạc hậu tới mức khái niệm thay thế nó, trên thực tế, cũng đã trở nên lạc hậu. Một mô hình mới đang nổi lên, kể từ khi chuyển giao thiên niên kỉ, mô hình đó đang trong quá trình định nghĩa lại khái niệm nghệ sĩ: cách họ làm việc, thực hành, buôn bán, cộng tác cũng như cách họ nghĩ về chính mình và cách người khác nghĩ về họ – ngay cả khái niệm nghệ thuật là gì – đó chính là điều mô hình thiên tài đơn độc đã làm hơn hai thế kỉ trước. Mô hình mới này rốt cuộc có thể phá hủy khái niệm về “nghệ thuật” như một thực thể tinh thần linh thiêng mà những nghệ sĩ đi trước đã tạo nên.
Trước khi chúng ta nghĩ về người nghệ sĩ như một thiên tài, chúng ta đã nghĩ về họ như những nghệ nhân. Hai từ này, không phải ngẫu nhiên, mà mang ý nghĩa giống nhau: nghệ sĩ (artist) và nghệ nhân (artisan). Từ nghệ thuật (art) xuất phát từ từ gốc có ý nghĩa là “cùng nhau”(join) hay “phù hợp với nhau” (fit together) – nghĩa là tạo nên hay làm thủ công, một khái niệm có trong những cụm từ như nghệ thuật ẩm thực hay những từ như đầy nghệ thuật, theo ý nghĩa của “tiểu xảo”.Chúng ta có thể nghĩ về Bach như một thiên tài, nhưng ông chỉ nghĩ về mình như một nghệ nhân, một người làm việc. Shakespears từng không phải là nghệ sĩ, ông là một nhà thơ (poet), một từ có nguồn gốc từ một từ khác cùng mang ý nghĩa “làm” (make). Ông cũng là một nhà soạn kịch, một thuật ngữ cũng đáng phải suy ngẫm lại. Một nhà soạn kịch (playwright) không phải một người viết kịch bản; ông là người đã tạo ra chúng cũng, giống như thợ bánh xe (wheelwright) hay thợ đóng tàu (shipwright).
Có hàng loạt những ý tưởng và thực tiễn đi kèm với quan niệm này. Nghệ sĩ cũng trải qua việc học nghề, như những thợ thủ công khác, để học những kỹ thuật thông thường (vì thế chúng ta thường thấy trong bảo tằng những cụm từ như “workshop của Bellini” hay “xưởng vẽ của Rembrandt”). Sáng tạo được đánh giá cao, nhưng độ tin cậy và giá trị trên tất cả vẫn bắt nguồn từ truyền thống. Trong một thế giới được thống trị bởi một cấu trúc xã hội khá cứng nhắc, những nghệ sĩ bị đánh đồng với thợ thủ công, đứng ở vị trí khoảng giữa tầng trung hoặc thấp hơn, dưới cả những thương gia chứ chưa nói tới tầng lớp quý tộc. Những người hành nghề độc lập có thể sẽ được quý trọng – như trường hợp của những bậc thầy người Hà Lan – nhưng họ chính xác là những bậc thầy theo khía cạnh thợ thủ công. Sự khác biệt giữa nghệ thuật và thủ công về cơ bản không rõ rệt. Thật vậy, chưa từng tồn tại một khái niệm rõ ràng về Nghệ Thuật như thời kỳ sau này.
Mọi việc bắt đầu thay đổi vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19, thời kì gắn liền với Chủ Nghĩa Lãng Mạn: thời đại của Rousseau, Goethe, Blake, và Beethoven, thời đại mà tự thân nó không chỉ đề cao giá trị của chủ nghĩa cá nhân và sự độc đáo mà còn cả sự nổi loạn và tuổi trẻ. Ngày nay, việc phá vỡ những quy tắc và lật đổ truyền thống – để chối bỏ xã hội và đeo đuổi con đường riêng – là một điều hấp dẫn và đáng thèm muốn.Đó là thời đại của cách mạng, đồng thời cũng là thời đại của sự hoàn tục. Khi niềm tin truyền thống dần mất uy tín, ít nhất là trong tầng lớp trí thức, nghệ thuật nổi lên như nền tảng cho một tín ngưỡng mới, nơi mà con người tìm đến để tiếp xúc với những chân lý cao hơn.
Nghệ thuật đã đạt tới đỉnh cao về thanh thế tinh thần, và người nghệ sĩ cũng nổi lên vì thế. Nghệ nhân trở thành thiên tài: đơn độc, như một thánh nhân; linh tính, như một tiên tri, tiếp xúc với thế giới vô hình, ý thức sống ở tương lai. “Những linh mục đã ra đi,” Whitman đã nói, “những nhà trí thức siêu phàm đã tới.”Nghệ thuật đã tự thoát khỏi thủ công; thuật ngữ mỹ thuật (fine arts), “những thứ thu hút tâm thức và trí tưởng tượng,” lần đầu tiên được ghi nhận năm 1767.
“Nghệ thuật” không những trở thành một khái niệm đơn nhất, bao gồm âm nhạc, sân khấu, và văn học cũng như nghệ thuật thị giác, mà còn có thể hiểu theo một nghĩa độc lập, là một thực chất cao hơn có giá trị trong những suy xét triết học và tôn kính văn hóa. “Nghệ thuật vị nghệ thuật,” khẩu hiệu của những nhà duy mỹ, đã có từ đầu thế kỉ 19. Đó cũng là lúc xuất hiện từ Gesamtkunstwerk, một từ rất quan trọng đối với Wagner, nghĩa là một giấc mơ hay lý tưởng về “một tổng nghệ phẩm.” Tới thời của chủ nghĩa hiện đại, một thế kỉ sau đó, thời đại của Picasso, Joyce, và Stravinsky, người nghệ sĩ cũng đứng ở đỉnh cao của địa vị, là những quý tộc văn hóa mà những quý tộc cũ – hay những người tiến bộ nhất vào thời đó – muốn được quen biết bằng bất cứ giá nào.
Không có gì lạ khi hình ảnh người nghệ sĩ như một thiên tài cô độc – cao quý, đáng thèm muốn, một đối tượng thú vị của khát vọng và tạo hình – duy trì được vị trí trong trí tưởng tượng tập thể. Tuy nhiên, điều này đã biến mất từ hơn nửa thế kỉ trước. Cụ thể là sau Thế Chiến II, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nghệ thuật, như tất cả những tôn giáo khác, qua thời gian đã bị thể chế hóa. Chúng ta đã là một siêu cường mới; chúng ta cũng muốn trở thành siêu cường về văn hóa. Chúng ta sáng lập ra những bảo tàng, nhà hát opera, công ty ballet, tất cả với một số lượng chưa từng có: cái gọi là bùng nổ văn hóa. Những hội đồng nghệ thuật, cơ quan tài trợ, chương trình giáo dục, chương trình cư trú, tạp chí, giải thưởng – một bộ máy hoàn toàn quan liêu.
Khi nghệ thuật bị thể chế hóa, nghệ sĩ cũng bị theo. Thiên tài trở thành người chuyên nghiệp. Giờ bạn không phải tới Paris và chui vào một gác xép để thực hiện tác phẩm để đời của mình, tác phẩm Les Demoiselles d’Avignon hay Ulysses, và đợi thế giới bắt kịp với bạn. Như một bác sĩ hay luật sư, bạn đi học cao học – những chương trình Thạc sĩ mỹ thuật đang nở rộ – rồi sau đó cố tìm kiếm một địa vị. Điều đó thường có nghĩa là một công việc, chủ yếu tại một trường cao đẳng hoặc đại học — những nhà văn ở khoa Tiếng Anh, những họa sĩ ở trường nghệ thuật— nhưng đôi lúc nó chỉ đơn giản là tham gia vào một dàn nhạc hay một đoàn kịch. Saul Bellow từng đến Paris năm 1948, nơi ông bắt đầu viết tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Augie March, nhưng sau đó ông được nhận tài trợ của Guggenheim, và ban đầu ông chỉ là một trợ lý giáo sư.
Việc đào tạo diễn ra rất chuyên nghiệp, các tác phẩm được tạo ra cũng vậy. Chuyên môn – hoặc nói theo cách của những chương trình sau đại học, “kĩ thuật” – chứ không phải cảm hứng hay truyền thống, đã trở thành quy chuẩn của sự đánh giá nghệ thuật. Người nghệ sĩ – thiên tài đôi khi có thể vờ như tác phẩm của anh ta được sáng tác từ sự điên cuồng thần thánh, nhưng không một nghệ sĩ -người chuyên nghiệp nào có tự trọng có thể làm như vậy. Mọi người cần phải thấy họ đang làm việc, và làm việc chăm chỉ (bằng chứng cho đức tính chuyên nghiệp), và sẽ có ích nếu họ có thể giải thích cho những người không chuyên – như chủ nhiệm khoa, những nhà tài trợ, nhà báo – về việc họ đang làm gì.
Quá trình phát triển của người nghệ sĩ, trong hình mẫu hậu chiến, cũng rất chuyên nghiệp.Bạn không thể từ vô danh trở nên nổi tiếng bằng duy nhất một tác phẩm gây chấn động. Bạn phải từ từ leo lên. Bạn dần tích lũy thành tích.Bạn xây dựng bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc. Bạn tham gia những ban nhóm, hội đồng, sưu tập giải thưởng và học bổng. Cách này an toàn hơn rất nhiều việc chỉ là một thiên tài cô độc, nhưng nó cũng kém thú vị hơn rất nhiều. Và không có gì bất ngờ khi những nghệ sĩ giờ ít được coi như những nhà hiền triết hay linh mục, mà được coi như một tập hợp những lao động trí thức. Quý tộc tinh thần được thay thế bằng cho tầng lớp trung – thượng lưu.
Nghệ nhân, thiên tài, chuyên gia: đằng sau tất cả những hình mẫu này là thị trường. Nói thẳng ra, tất cả đều quy về việc bạn được trả tiền như thế nào. Nếu mô hình thủ công xảy ra trước sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại – thời đại của nghệ nhân là thời đại của nhà bảo trợ, với nghệ sĩ về cơ bản như một thành phần phụ thuộc phong kiến – thì những mô hình của thiên tài và chuyên gia là những giai đoạn nỗ lực điều chỉnh để đạt tới nó.
Ở giai đoạn trước, nghệ sĩ phải tránh xa thị trường và những ràng buộc dơ bẩn của nó, hay ít nhất tỏ vẻ như vậy. Tinh thần nghệ thuật đối lập với xác thịt và lợi lộc bẩn thỉu.Buôn bán có nghĩa là chết.Bản chất của nghệ sĩ, cũng như những bậc tiền bối thần thánh của họ, là không hiện hữu. Một số nghệ sĩ như Picasso hay Rilke thì có nhà bảo trợ, nhưng họ có các điều kiện khác với nghệ nhân, vì người nghệ sĩ giờ đã có những đặc quyền nên có ít ràng buộc hơn rất nhiều. Một số người như Proust và Elizabeth Bishop thì có tiền ngay từ đầu. Và một số khác, như Joyce và van Gogh, đã tạo ra những tác phẩm nổi tiếng nhất rồi chết đói – điều này cũng có nghĩa là bám vào, sống nhờ những món quà hay “khoản nợ” từ gia đình hay bạn bè, đây có thể gọi là một khoản thuế giáo chức, giống với khoản tiền nhỏ mà những linh mục hay những người khất thực nhận được từ những nhà sư.
Tính chuyên nghiệp đại diện cho một hệ thống thỏa hiệp, giữa thiêng liêng và trần tục. Một nghề nghiệp không phải là một thiên hướng, nghĩa cũ còn gọi là một “tiếng gọi sâu thẳm,” nhưng cũng không chỉ là một công việc; một điều gì đó linh thiêng gắn với nó. Trái ngược với những giá trị của thị trường, người nghệ sĩ, giống như những người làm nghề khác, duy trì những chuẩn mực và lý tưởng đối lập – vẻ đẹp, sự chặt chẽ và sự thật – được kế thừa từ những mô hình trước đó. Các tổ chức ra đời để giàn xếp những khác biệt, bảo vệ những nghệ sĩ về mặt tư tưởng, kinh tế, tâm lý trước sự tác động tổng thể của thị trường.
Tất nhiên, một số nghệ sĩ có tham gia thị trường, đặc biệt những người làm việc dưới những hình thức “phổ biến” hay “thấp” hơn. Nhưng chính họ cũng có trung gian – công ty xuất bản, xưởng phim, nhãn hiệu thu âm; đại lý, nhà quản lý, nhà quảng cáo, biên tập viên, nhà sản xuất – những người bảo vệ những nghệ sĩ trước những logic của thị trường. Những công ty này vận hành như một bình phong; ít nhất một ai đó được trả tiền để nghĩ tới những con số. Những nhà xuất bản, nhãn hàng đôi lúc cũng chủ động đóng vai nhân ái: dùng những cú thắng lớn để tài trợ cho những dự án còn lại, giúp những tài năng mới có cơ hội phát triển, thậm chí trợ cấp toàn bộ cho doanh nghiệp, như trường hợp James Laughlin đã làm nhiều năm nay ở NXB New Directions.
Tất nhiên có những sự chồng chéo ở những mô hình khác nhau – những quá trình chuyển đổi dài, những trường hợp pha trộn và ngoại biên, những tiên lượng và sự sống còn. Mô hình chuyên nghiệp vẫn chiếm ưu thế.Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang bước vào một quá trình chuyển đổi mới và nó được đánh dấu bằng thắng lợi cuối cùng của thị trường và những nguyên tắc của nó, và việc loại bỏ những vết tích cuối cùng của sự bảo vệ và điều đình. Trong các ngành nghệ thuật, cũng như trong toàn bộ tầng lớp trung lưu, những người chuyên nghiệp đang phải nhường đường cho doanh nhân, hay chính xác hơn, “người tự làm chủ”, “người tự kinh doanh”.
Các tổ chức nâng đỡ hệ thống hiện tại đang dần thu nhỏ lại hoặc tan rã. Những giáo sư đang trở thành phụ tá.Nhân viên đang trở thành những nhà thầu độc lập (hoặc thực tập không lương). Tất cả đều đang bóp chặt ngân sách: thu hẹp, thuê ngoài, sát nhập hoặc sụp đổ. Giờ đây, chúng ta phải là ông chủ của chính mình, công việc kinh doanh của mình: công ty riêng, nhãn hiệu riêng, bộ phận tiếp thị, sản xuất, kế toán riêng. Chúng ta đang dần coi chủ nghĩa tự kinh doanh là một cơ hội.Nói rộng ra, nó là điều cần thiết.Tất cả mọi người đều hiểu rằng giờ đây một công việc là không đủ.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một cơ hội. Sự thúc đẩy của sự tan rã thể chế xảy ra cùng lúc với sự lôi kéo của công nghệ mới. Sự lên ngôi của việc tự kinh doanh sáng tạo xảy ra trước thời kỳ web – từ những năm 60 – nhưng chính thời kỳ web đã thúc đẩy nó phát triển tới mức chưa từng thấy. Internet giúp bạn quảng bá, bán, cung cấp trực tiếp cho người sử dụng, và việc này cho phép bạn cạnh tranh với những tập đoàn và tổ chức đã từng thực sự độc quyền về tiếp thị và phân phối.Bạn có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng ở tốc độc và quy mô không tưởng chỉ bằng những phương tiện duy nhất là truyền miệng, báo chí thay thế và những tờ quảng cáo trên những cột điện thoại.
Mọi người đều hiểu điều này: nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ nào cũng có trang web (đúng vậy, tất cả các nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ). Những ban nhạc bán đĩa trực tuyến. Những nhà làm phim tài liệu dùng Kickstarter để kêu gọi tiền cho dự án của mình. Diễn viên hài Louis CK, bằng việc bán những bản download không được bảo vệ bản quyền từ show diễn của mình, đã thử nghiệm một mô hình phân phối mới. “Chỉ cần tên của bạn được biết đến”, những người làm sáng tạo đều được khuyên như vậy. Dường như có rất nhiều thứ để xây dựng: bạn phải xây dựng thương hiệu của mình, mạng lưới, sự xuất hiện trên các mạng truyền thông xã hội. Kinh doanh sáng tạo dẫn tới việc ra đời những cấu trúc cơ quan riêng – thị trường trực tuyến, những không gian xuất bản độc lập, những nơi ươm mầm phi lợi nhuận, không gian cộng tác – nhưng mối quan hệ cơ bản vẫn là người sáng tạo với khách hàng, nhưng những người sáng tạo giải quyết và theo dõi mọi khía cạnh của giao dịch.
Vậy thì tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với nghệ sĩ và nghệ thuật? Đối với đào tạo, thực hành, sự định dạng của sự nghiệp nghệ thuật, đối với bản chất của cộng đồng nghệ thuật, đối với cách những nghệ sĩ nghĩ về bản thân mình và cách công chúng nghĩ về họ, đối với những chuẩn mực đánh giá nghệ thuật và những khái niệm định nghĩa nó? Đó là những câu hỏi mới, những câu hỏi mở, những câu hỏi mà chưa ai được trang bị để trả lời.Nhưng cũng chưa phải là quá sớm để đưa ra vài nhận xét sơ bộ.
Hãy bắt đầu với những gì rõ ràng nhất, kinh doanh sáng tạo có tính tương tác rất cao, ít nhất là theo cách ngày nay chúng ta hiểu về từ đó, cao hơn mô hình của nghệ sĩ – thiên tài, người quay lưng lại với thế giới, và thậm chí hơn cả mô hình của nghệ sĩ như chuyên gia, người hoạt động trong một tập hợp những mối quan hệ khá nhỏ và ổn định. Cách vận hàng ngày nay là mạng lưới (network), đi cùng với động từ của nó là mở rộng mạng lưới (networking).Một người bạn nghệ sĩ đồ hoạ Thế hệ X đã nói với tôi rằng giờ đây những nhà thiết kế trẻ mà cô gặp không còn quan tâm tới việc bỏ ra 10.000 tiếng để làm việc. Một lý do có thể là họ nhận ra rằng 10.000 tiếng làm việc giờ không quan trọng bằng 10.000 mối liên lạc.
Cần phải nói thêm rằng, một mạng lưới không giống như một vòng tròn quan hệ – hay, một thuật ngữ rất quan trọng đối với những người theo chủ nghĩa hiện đại, một phe phái (coterie). Sự thật là những thiên tài không thực sự cô độc như những gì được quảng cáo. Họ thường tìm đến nhau trong những cơn men sáng tạo nhức nhối và dai dẳng – hãy nghĩ về Nhóm Bloomsbury. Từ những hình thái xã hội như phe phái hay vòng tròn quan hệ, từ những cuộc trò truyện và động viên này, những trào lưu như những sản phẩm trí tuệ đã ra đời: chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa hình tượng, chủ nghĩa vị lai.
Tuy nhiên, mạng lưới là một hiện tượng phân tán hơn, và những kết nối điển hình của mạng lưới thường ít mạnh mẽ hơn. Một vài ngày ở đây, một dự án ở kia, một mối giới thiệu qua email. Một liên lạc không phải là một người cộng tác.Coleridge, đối với Wordsworth, không phải chỉ là một mối liên lạc; ông là một đối tác, một đồng chí, một nửa khác.Thật khó để có thể tưởng tượng mối quan hệ kiểu này trong thời đại mạng lưới, bởi mối quan hệ này phải được nuôi dưỡng qua hàng loạt những cuộc gặp gỡ không bị gián đoạn.Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy dạng quan hệ nào sẽ phát triển và điều gì sẽ nổi lên.
Không ai còn dành ra 10.000 giờ làm việc: người nghệ sĩ trong cả ba mô hình cũ đều làm cùng một việc – họ luyện tập chuyên sâu trong một lĩnh vực, một truyền thống, một nhóm kỹ thuật và làm việc để phát triển một bản sắc nghệ thuật. Bạn là một nhà văn, hay một hoạ sĩ, hay một biên đạo múa. Rất khó để tìm ra một người thành công trong nhiều hơn một lĩnh vực – ví dụ như viết tiểu thuyết và làm thơ, chứ chưa nói gì đến nhiều hơn một loại hình nghệ thuật.Nhiều người đã thử (như Gertrude Stein khuyên nhủ Picasso thử viết thơ), nhưng hầu như chưa có bất kì thành công nào.
Nhưng một trong những điều đáng chú ý nhất về những người sáng tạo trẻ ngày nay là xu hướng xây dựng sự đa dạng bản sắc nghệ thuật. Bạn là một nhạc sĩ và một nhiếp ảnh gia và một nhà thơ; hay một người kể chuyện và một vũ công và một nhà thiết kế – đôi khi chúng ta thấy việc này được nhắc đến như một nghệ sĩ đa dạng. Điều này có nghĩa là bạn không dành ra 10.000 tiếng cho bất kì lĩnh vực nào bạn lựa chọn. Nhưng kĩ thuật hay chuyên môn không phải là điều quan trọng. Vấn đề là tính linh hoạt.Như bất kì một doanh nghiệp tốt nào, bạn cố gắng đa dạng hoá.
Những gì chúng ta thấy trong mô hình mới – ở cả các quan hệ bên ngoài và năng lực sáng tạo nội tại của nghệ sĩ – chính là những gì chúng ta nhìn thấy ở nền văn hoá: sự thay thế của chiều sâu bằng chiều rộng. Điều này tốt hay xấu?Chắc chắn là cả hai, nhưng ở tỉ lệ nào thì vẫn chưa biết. Điều rõ ràng hơn cả là mô hình mới này sẽ định hình lại cách các nghệ sĩ được đào tạo. Một chương trình đào tạo Thạc sĩ mỹ thuật mới ra đời ở Portland, Oregon có tên gọi “thủ công và thiết kế ứng dụng.” Sinh viên, xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau, đều phải học về kinh doanh cùng với thực hành sáng tạo. Chương trình hiểu rằng việc sáng tạo giờ đi liền với việc bán hàng, và người nghệ sĩ cần được đào tạo cả hai kỹ năng – một thực tế phản ánh ở sự phát triển của chương trình kép Thạc sĩ kinh tế (M.B.A)/Thạc sĩ mỹ thuật (M.F.A).
Mô hình mới rất có thể cũng sẽ thay đổi cách xây dựng sự nghiệp. Chúng ta thường nghe nói rằng ai cũng sẽ có năm hoặc sáu nghề nghiệp, trong năm hoặc sáu lĩnh vực, trong suốt quá trình làm việc của mình, sự nghiệp của những nghệ sĩ đa lĩnh vực, biết kinh doanh cũng sẽ vô định hơn và ít tập trung hơn ở mô hình cũ. Không còn những kiệt tác đỉnh cao của sự trưởng thành sâu sắc, không còn vua Lear hay Faust, nhưng sẽ có nhiều mối quan tâm và định hướng hơn khi những xu hướng của thị trường buộc bạn chuyển hướng.
Những tác phẩm nghệ thuật, rõ ràng và hiển nhiên hơn bao giờ hết, đang trở thành vật phẩm, hàng hoá tiêu dùng. Jeff Bezos, khi là người bảo trợ rất khác so với James Laughlin.Giờ mỗi người phải tự biết thân mình.Giờ bạn không hướng tới một khán giả cụ thể, bạn hướng tới một nhóm khách hàng.Giờ doanh số bán hàng quý trước của bạn thể hiện việc bạn tốt thế nào.
Thật khó có thể tin rằng, sự thay đổi mới này sẽ không có lợi cho những tác phẩm an toàn: quen thuộc hơn, mang tính công thức, thân thiện với người xem, dễ làm hài lòng – giống giải trí nhiều hơn là giống nghệ thuật. Nghệ sĩ chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian hơn để quan sát, cố gắng tìm hiểu xem khách hàng muốn gì chứ không phải bản thân họ đang muốn nói gì. Bản chất của việc đánh giá mỹ thuật cũng sẽ tự thay đổi. Những tín đồ internet có khẩu hiệu: “Không còn những người kiểm soát nữa”. Ý kiến của tất cả mọi người, được thể hiện trong những đánh giá trên Amazon và những thứ tương tự, cũng có trọng lượng tương đương – đó chính là sự dân chủ hoá khiếu thẩm mỹ.
Trong thời đại của nghệ nhân, sự đánh giá là công việc của nhà bảo trợ.Trong thời đại của người chuyên nghiệp, nó là công việc của nhà phê bình, một người chuộng mỹ thuật hay trí thức được đào tạo chuyên nghiệp. Trong thời đại của thiên tài, hay cũng là thời đại của những thứ tiên phong (avant-garde), của những năng lượng thực nghiệm to lớn vượt qua nghệ thuật, nó là công việc của chính bản thân những nghệ sĩ. Wordsworth đã nói “Mỗi một nhà văn vĩ đại và độc đáo phải tự mình tạo nên khiếu thẩm mỹ để mọi người thưởng thức.”
Nhưng giờ chúng ta đã tới thời đại của khách hàng, những người luôn đúng. Hoặc như một nghệ sĩ giải trí huyền thoại đã nói: “Cứ mỗi phút lại có một kẻ khờ khạo được sinh ra.” Một từ khác cho những người kiểm soát là những chuyên gia. Ai cũng biết họ có những vấn đề riêng, đầu tiên phải kể đến sự kiêu ngạo, nhưng có một điều bạn có thể nói về họ: họ không dễ bị lừa bịp. Khi Thư viện hiện đại (Modern Library) yêu cầu ban biên tập của mình chọn ra 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất của thế kỉ 20, sự lựa chọn đầu tiên là Ulysses. Trong một cuộc thăm dò độc giả tương tự, đó là tác phẩm Atlas chuyển mình (Atlas Shrugged). Chúng ta nhận ra rằng, khi nói tới thức ăn (một đỉnh cao mới của lòng tự cao văn hoá), thị hiếu đó phải được phát triển qua một thời gian tiếp xúc lâu dài, được hỗ trợ bởi sự hướng dẫn của các chuyên gia và nhà phê bình.Trong nghệ thuật, chúng ta không có thứ khiêm tốn đó.Những giải thưởng là của thời đại những người chuyên nghiệp.Chẳng mấy chốc tất cả những gì chúng ta cần để đong đếm tài năng chính là danh sách bán chạy nhất.
Sự dân chủ hoá thị hiếu, được cổ xuý bởi trang web xảy ra cùng lúc với sự dân chủ hoá của sáng tạo. Những người sản xuất có phương tiện để bán, nhưng tất cả mọi người đều có phương tiện để sản xuất.Và mọi người đều sử dụng nó.Mọi người dường như đều mơ mộng trở thành một nhà văn, một nhạc sĩ, một nghệ sĩ thị giác. Apple đã phát hiện ra điều này cách đây khá lâu: cách tốt nhất để bán cho chúng ta những công cụ đắt tiền là thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có một thứ gì đó độc đáo và chúng ta cần phải thể hiện nó ngay lập tức.
“Chủ nghĩa sản xuất” (producerism) chúng ta có thể nói như vậy, nghĩa tương tự như chủ nghĩa tiêu dùng. Những gì chúng ta đang được thuyết phục để tiêu thụ, dễ thấy nhất, là những phương tiện để sáng tạo. Và việc dân chủ hoá thị hiếu đảm bảo rằng không ai có quyền (hay ý đồ) nói với chúng ta rằng tác phẩm của chúng ta tệ. Một lạm phát điểm phổ quát đã chỉ ra rằng: tất cả chúng ta đều đang trao đổi những điểm A- , hay trong ngôn ngữ của Facebook, “likes.”
Ngày nay mọi người thường nói rằng những doanh nghiệp thành công nhất là những người sáng tạo ra những trải nghiệm chứ không phải sản phẩm, hay tạo nên trải nghiệm (môi trường, mối quan hệ) xung quanh sản phẩm của họ. Vì thế chúng ta cũng có thể nói rằng dưới chủ nghĩa sản xuất, trong thời đại của doanh nhân sáng tạo, việc sản xuất trở thành một trải nghiệm, thậm chí chính là trải nghiệm đó. Nó trở thành một lối sống, một thứ gì đó được đóng gói như một trải nghiệm – và một trải nghiệm. Sẽ còn gì nữa sau những thứ thời thượng như: kết nối, được giám tuyển, được công bố, được tôn sùng, được chia sẻ trên twitter, được chăm chút, và bất cứ một thứ gì khác chứ không phải sự cô độc, bất cứ một thứ gì khác chứ không phải sự riêng tư.
Trong số những điều đáng chú ý nhất trên những trang web mà những người sáng tạo giờ cảm thấy buộc phải có là việc không chỉ đăng lên các tác phẩm và thông tin về nghệ sĩ (những thứ này đã đủ thú vị theo thực tế văn hoá) ), nhưng họ còn đăng lên cả cuộc sống, lối sống hay quá trình sáng tạo. Khách hàng đang được bán, hay chào bán, một trải nghiệm gián tiếp của việc sáng tạo.
Người sáng tạo: Tôi không chắc liệu khái niệm nghệ sĩ còn có ý nghĩa nữa không, và tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy nó nhường chỗ cho một từ khác, một từ có ý nghĩa bao quát hơn và có liên kết đến từ “sáng tạo” – một từ thần thánh đương đại. Tác phẩm Sức mạnh của hai người (Powers of Two) của Joshua WolfShenk, cuốn sách hợp thời ra đời mùa hè năm trước về sáng tạo đã đặt Lennon và McCartney bên cạnh Jobs và Wozniak. Trang bìa gần đây của tạp chí này chạy tít “Nghiên cứu những trường hợp trong khoảnh khắc Eureka,” một danh sách bắt đầu với Hemingway và kết thúc với Taco Bell.
Khi tác phẩm nghệ thuật trở thành hàng hoá và không hơn, khi mọi nỗ lực trở nên “sáng tạo” và mỗi người là “một người sáng tạo,” thì nghệ thuật trở lại thành thủ công và nghệ sĩ trở lại thành nghệ nhân – một từ mà ít nhất, trong trạng thái tính từ của nó, lại một lần nữa trở nên phổ biến. Dưa muối thủ công (artisanal), thơ thủ công: cuối cùng sự khác biệt là gì? Vậy là bản thân “nghệ thuật” có thể biến mất: nghệ thuật như Nghệ thuật, một thứ cao quý xưa cũ. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì phải thương tiếc, trừ phi như tôi, bạn nghĩ rằng chúng ta cần một nguồn sống cho nội tâm của mình.
Translated by Đỗ Tường Linh
edited by Trang Ngô
Nguồn: Facebook Đỗ Tường Linh

0 nhận xét:

Post a Comment