Hàng năm Interbrand đều công bố bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu thế giới, với các tiêu chí đánh giá rất toàn diện từ sự hiện diện thương hiệu trên toàn thế giới, mức độ nhận diện thương hiệu, cho tới các yếu tố tài chính như doanh thu đến từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia công ty mẹ, ROI, lợi nhuận v.v. Trong thời đại mà Interbrand gọi là "Thời đại của cái tôi" (the Age of You), sự yêu thích của khách hàng đối với các thương hiệu cũng thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi các thương hiệu phải thích ứng với những chi tiết nhỏ nhất trong thị hiếu người tiêu dùng. Hãy cùng tìm hiểu những bí quyết và xu hướng chính từ bảng xếp hạng top 100 thương hiệu toàn cầu năm vừa qua.
Các hãng công nghệ lên ngôi
Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu trong số top 100 thương hiệu, với 13 thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ trong bảng xếp hạng lần này chiếm tới 1/3 tổng doanh số. Họ cũng là những tên tuổi đã định nghĩa lại về thước đo của sự đổi mới: không chỉ là những sản phẩm dịch vụ thành công về mặt thương mại, mà còn là khả năng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Chẳng hạn như Facebook đã thay đổi cách mà con người trên thế giới kết nối với nhau và tạo điều kiện cho sự phát triển của Facebook marketing hay Social media marketing. Paypal thì thay đổi cách các doanh nghiệp và cá nhân giao dịch.
Sự lên ngôi của các hãng công nghệ không thể không kể đến lý do khách quan rằng các hãng này có một lợi thế hơn so với các ngành hàng khác: 1) thị trường tiềm năng có thể đo lường được tương đối rõ ràng, ví dụ như 70% dân số thế giới sẽ dùng điện thoại thông minh vào cuối năm 2016; 2) Rào cản gia nhập ngành cũng thấp hơn, đặc biệt so với các ngành như xe hơi hay xa xỉ phẩm. Bất cứ doanh nghiệp nhỏ nào cũng có thể là đối tác của các đại gia như Google, Apple hay Facebook.
Chiến lược thương hiệu nhất quán
Các thương hiệu lớn thường bắt đầu với một tầm nhìn rõ ràng và tham vọng làm nền tảng cho toàn bộ cấu trúc và các hành vi thương hiệu về sau. 3M – nhà sản xuất công nghiệp lớn của Mỹ từ lâu đã luôn đề ra chiến lược toàn cầu chú trọng vào nghiên cứu và phát triển, marketing nội dung và các câu chuyện thương hiệu. Đặc biệt hơn, họ đã khảo sát toàn nhân viên của mình cũng như 15,000 khách hàng ở khắp 15 quốc gia để đề ra chiến lược thương hiệu “3M Science. Applied to Life.” Và tập trung quảng bá nó một cách nhất quán tại khắp các thị trường của mình trên thế giới.
Mở rộng xung quanh định vị cốt lõi
Với các thương hiệu thành công, việc xác định rõ định vị cốt lõi ngay từ đầu và tuân thủ nó trong truyền thông thương hiệu là điều thiết yếu. Một hành vi thương hiệu không nhất quán với định vị ban đầu đều tiềm ẩn nguy cơ thất bại trong việc thiết lập mối quan hệ với khách hàng mục tiêu. Ngay cả khi mở rộng thương hiệu, những tên tuổi lớn cũng hết sức thận trọng và đảm bảo sự mở rộng này sẽ gia tăng và củng cố nhận thức về thương hiệu đúng với định vị. Adobe mở rộng phát triển các ứng dụng nhưng đều xoay quanh định vị phần mềm sáng tạo. Starbucks mở rộng chuỗi cửa hàng của mình ra toàn thế giới với menu và hương vị mới, nhưng luôn giữ nguyên “trải nghiệm cà phê” mà khách hàng ruột của Starbucks luôn cảm nhận được dù ở bất cứ đâu.
Tập trung vào người dùng
Những thương hiệu đang lên nhanh nhất trong danh sách năm nay như Apple, Facebook, Amazon, Adobe, là những thương hiệu tập trung cải tiến xoay quanh người dùng của họ. Mọi chi tiết nhỏ nhất trong sản phẩm, dịch vụ và thông điệp thương hiệu đều thể hiện một sự thấu hiểu khách hàng sâu sắc. Đây đã luôn được coi là cốt lõi của hoạt động kinh doanh, giúp cho thương hiệu gắn kết với khách hàng cũ và gia tăng khách hàng mới. LEGO, thương hiệu lần đầu tiên lọt vào top 100 năm nay, đã triển khai LEGO Ideas – một hình thức nhằm khuyển khích khách hàng sáng tạo và chia sẻ ý tưởng trong những dự án của công ty. Đây là một chiến lược khôn ngoan giúp công ty ghi nhận được những thay đổi trong thị hiếu khách hàng và gắn kết họ với thương hiệu nhiều hơn.
Áp dụng công nghệ để cá nhân hóa người dùng
Công nghệ luôn là lực đẩy cho sự đổi mới. Các thương hiệu lớn không bao giờ bỏ lỡ cơ hội ứng dụng công nghệ vào để nâng cao các trải nghiệm người dùng, giúp họ được thể hiện bản sắc của mình qua tương tác với thương hiệu. Adobe đã phát triển một công nghệ định vị theo địa điểm và kết nối đám mây nhằm tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu. Chúng ta cũng được chứng kiến các đại gia bắt tay với những người khổng lồ về công nghệ để tìm cách tiếp cận gần hơn với khách hàng. Toyota đã sử dụng ứng dụng API của Google để đăng tải những mẫu quảng cáo banner website được thiết kế riêng cho từng đối tượng ở các thành phố khác nhau. Toyota cũng đồng thời hợp tác với Panasonic để phát triển Trung tâm Thông minh được kết nối qua điện toán đám mây.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn những bí quyết của các thương hiệu mới gia nhập bảng xếp hạng năm nay.
Tổng hợp & Biên tập từ Interbrand
0 nhận xét:
Post a Comment