vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Thursday, 9 April 2020

Yuval Noah Harari: người phản tỉnh của thời đại chúng ta

Bộ sách 3 cuốn quá khứ - hiện tại - tương lai của Harari

Tôi follow Yuval Harari từ hồi đọc cuốn Sapiens đầu tiên của ông năm 2017. Lại thêm một người Do Thái nữa mà tôi thích, tiếp sau Freud, Kafka, Einstein, Natalie Portman, còn ai nữa ấy nhỉ? Nhân dịp mùa đại dịch Covid-19 ngẫm lại những điều ông nói thấy càng tâm đắc và chí lý, nhưng cũng có một vài điểm cần bàn luận thêm để làm sáng tỏ hơn!

Vì sao tôi thích Yuval Harari?

Dĩ nhiên là có rất nhiều các nhà khoa học xuất chúng đã và đang nghiên cứu về những điều mà Harari đang bàn đến, nhưng có lẽ Harari là một trong số những học giả nổi bật khi thoát khỏi những tháp ngà đầy kinh viện để chia sẻ tri thức cho quảng đại công chúng với một lối truyền đạt hấp dẫn và dễ tiếp thu. 

Lý do đầu tiên mà tôi thích Harari có lẽ là do tương đồng về quan điểm (cái này thường sẽ luôn là lý do chính đáng tiên quyết :D). Harari có vẻ là một người theo chủ nghĩa thế tục, và ủng hộ Phật giáo. Mặc dù ông luôn chứng tỏ tinh thần khoa học khách quan, trung dung (và đã rất thành công trong việc đó) nhưng dĩ nhiên là ta sẽ vẫn nhận ra những hiện tượng ông phê phán và những trường phái ông ủng hộ. Cứ xem mấy đoạn mỉa mai hài hước bình thản của ông về cách con người ta đã phi lý và bất nhất như thế nào trong cách thực hành tôn giáo của mình. 

Lý do thứ hai khiến ông đáng tôn trọng đó chính là thái độ khiêm nhường. Ngay cả khi đã có những lập luận rất sắc xảo để minh chứng cho luận điểm của mình, ông cũng vẫn luôn bày tỏ thái độ cầu thị với những quan điểm khác, cách nhìn khác mình, cũng như thừa nhận rằng những điều ông nói có thể sẽ không còn đúng trong tương lai nữa, vì hơn ai hết Harari tin vào sự vô thường của vạn vật. Trong các bài phỏng vấn ông cũng thể hiện thái độ này và cho biết có những câu ông không thể trả lời được, có vẻ như vai trò của ông chính là kẻ hoài nghi đặt ra những câu hỏi lớn, kẻ phản tỉnh cho tất cả chúng ta về trạng huống hiện nay của loài người. 

Lý do thứ ba, ông là người kể chuyện siêu tuyệt vời! Bạn sẽ được chu du tới mọi miền đất, lắng nghe những câu chuyện sinh động về những con người đa dạng ở khắp nơi trên thế giới qua những ví dụ của ông. Với khả năng kết nối vô tận những nguồn tri thức bao la và giọng văn hài hước, đọc ông giống như tham gia vào một cuộc phiêu lưu địa cầu đầy mãn nguyện với người dẫn đường thông thái hóm hỉnh vậy. 

Tóm lược & vài lời bàn về tư tưởng của Harari qua bộ sách

Túm lại là Harari viết gì? Nói ngắn gọn là ổng đã thách thức tất cả những thể loại niềm tin của chúng ta từ trước tới nay, trong mọi lĩnh vực từ tôn giáo chính trị xã hội kinh tế vân vân. Không phải theo cái cách bão táp mãnh liệt như Nietzsche hay say mê bạo loạn như Henry Miller, mà theo phong cách ung dung bình thản của ổng. 

Tự do chỉ là câu chuyện hư cấu?

Mọi thứ đều là những câu chuyện được kể lại. Harari viết vậy. Loài người có một năng lực kể chuyện đáng kinh ngạc, đã giúp họ kết nối lại với nhau để xây dựng nên những thành tựu vĩ đại và phát triển cho tới ngày nay. Thế kỉ 20 chứng kiến sự thống trị của câu chuyện về chủ nghĩa tự do nhưng giờ đang dần lung lay và kết thúc, trong khi đó con người loay hoay đi tìm cho mình một câu chuyện mới đáng tin tưởng hơn mà chưa có. 

Điều thú vị tôi thấy là qua đại dịch Covid-19 lần này, càng rõ là những dự báo của Harari sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực hơn. Bởi bệnh dịch là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình số hoá, giống như đợt SARS năm 2003 ở Trung Quốc đã tạo thời cơ cho Alibaba trỗi dậy như thế nào. Rồi đây nó sẽ chính là cơ sở để các chính phủ và các đại gia công nghệ hợp tác với nhau một cách công khai trong việc thâu tóm dữ liệu cá nhân của công chúng. Privacy is just history! Và khi phải lựa chọn giữa an toàn và sự riêng tư, mấy ai sẽ đánh cược mạng sống để đổi lấy tự do,  mấy ai sẽ đánh đổi sự yên bình để đi tìm sự thật? giống như Neo đã lựa chọn viên thuốc màu đỏ thay vì màu xanh trong The Matrix? Mà đằng nào thì, bạn nghĩ những lựa chọn của bạn là do ý chí tự do của bạn hay sao? hay nó chỉ đơn thuần là kết quả của những thuật toán sinh hoá (rất dễ bị manipulated) giữa các vật chất cấu tạo nên cơ thể của bạn?

Trung tâm của các câu chuyện đã chuyển từ thánh thần sang con người, và tiếp theo sẽ chuyển sang cái gì nữa? 

Siêu nhân thế hệ mới?

Wow, nói đến đây thì kiểu gì cũng liên tưởng đến mấy phim khoa học viễn tưởng về robot giết người. Nhưng Harari thì đề cập đến một thực tế gần với chúng ta hơn: đó là cuộc cách mạng kép về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học giúp chúng ta cải thiện giống nòi của thế hệ sau và sẽ tạo ra bất bình đẳng về mặt sinh học giữa các tầng lớp trong xã hội. Cũng đúng vì Harari là dân khoa học xã hội nên đó là những gì ông ấy quan tâm. Còn với các nhà khoa học trong chính lĩnh vực AI thì sao? Toby Walsh - giáo sư khoa học về AI và là Viện sĩ viện Hàn lâm Khoa học Australia thậm chí còn tiên đoán rõ ràng hơn về thế hệ siêu nhân Homo Digitalis thay thế cho Homo Sapiens! 

Tầng lớp vô dụng hay cuộc Phục Hưng lần thứ 2?

Rồi đây, Homo Sapiens sẽ bị đẩy sang bên lề của câu chuyện và nhường sân khấu cho AI. Và cuộc cách mạng mà chúng ta phải tranh đấu sẽ không còn là chống lại sự bóc lột nữa, mà ngược lại là chống lại sự nhàn rỗi và vô dụng. Nhưng gượm đã, đánh giá này của Harari có vẻ hơi bi quan. Bởi có vẻ như ông vẫn đang nhìn từ góc nhìn của một người đứng trong câu chuyện của chủ nghĩa tự do hiện tại. Nếu thực sự bước chân vào giai đoạn khi chúng ta đã có một câu chuyện hoàn toàn mới để kể và thuyết phục nhau rồi, có lẽ chính các thuật toán sinh hoá trong não ông sẽ đưa ra nhận định khác? Khi ấy, rất có thể ta sẽ có một tầm nhìn lạc quan như cách mà Toby Walsh gợi ý: đó sẽ là một cuộc Phục Hưng lần thứ 2 trong lịch sử loài người, khi mà AI sẽ làm hầu hết mọi công việc với năng suất cao hơn, của cải vật chất dồi dào hơn với giá rẻ hơn, phần lớn người lao động sẽ thoát khỏi cảnh đi làm quần quật và có thời gian hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp giúp bồi đắp thêm giá trị con người mình. Nếu mà như thế thì cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng gượm đã, có phải là ai cũng có ý muốn học tập, bồi đắp mỹ cảm và các giá trị tinh thần cao đẹp hay không, hay là sẽ "nhàn cư vi bất thiện" như ông bà ta thường nói? Rồi người ta sẽ tìm đến với soma như trong Brave New World thì thế giới sẽ thật là thảm hoạ. 

Dĩ nhiên, điều này là tốt hay xấu thì chẳng ai có thể nói trước. Thậm chí hồi năm 1930 người ta dự đoán là cách mạng công nghiệp và hiện đại hoá rồi sẽ khiến tỉ lệ mất việc làm gia tăng nhưng thực tế thì lại ngược lại bởi vì nhu cầu mới lại nảy sinh ra những công việc mới - mà số thêm lại còn nhiều hơn số giảm. Nhưng dù sao thì thị trường lao động sẽ thay đổi sâu sắc bởi AI là điều mà ai cũng có thể chắc chắn. 

Thiền

Vâng, lời khuyên mà Harari dành cho chúng ta là: hãy tìm về với chính mình. Khi mà tự do ý chí hoá ra chỉ là câu chuyện hư cấu, chúng ta nhận ra mình có ít quyền kiểm soát với bản thân đến thế nào, thì việc kết nối với bản thể càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trải nghiệm mà Harari nói đến, tôi đã thử, tried and true. Hít vào, thở ra, quan sát những cảm xúc đến rồi đi, tất cả đều vô nghĩa.  Cố gắng biến mọi thứ trở thành có ý nghĩa mang ta lại gần khổ đau. Nhưng Homo Sapiens là giống loài tụng ca ý nghĩa và đam mê khổ đau. Rồi đây chúng ta sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những fiction, quăng mình vào bể khổ. Nhưng dù sao thì hãy nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này. Covid-19 giúp ta nhận ra, đó chính là hơi thở. Học thở - kĩ năng quan trọng nhất cuộc đời. Và bên cạnh việc rửa tay thường xuyên, thì còn là diệt khuẩn tâm hồn nữa.


Tham gia khoá học lịch sử online cùng Harari

Một số buổi nói chuyện của Harari:









0 nhận xét:

Post a Comment