Viết review cho bộ phim ưa thích của mình nào, hehe.
Phân tích giá trị nghệ thuật của bộ phim Black Swan (Thiên nga đen) dưới góc độ khoa học tâm lý học.
Phân tích giá trị nghệ thuật của bộ phim Black Swan (Thiên nga đen) dưới góc độ khoa học tâm lý học.
Bộ phim là sự thể hiện tuyệt vời của thuyết phân tâm học của Freud. Nhân vật trung tâm trong Thiên nga đen là Nina (do Natalie Portman thủ vai), một nữ vũ công triển vọng, tài năng của New York, Mỹ. Mơ ước lớn nhất trong đời cô là được hóa thân thành Swan Queen trong vở nhạc kịch Hồ thiên nga. Cơ hội đến với Nina khi giám đốc nhà hát quyết định tìm một gương mặt mới cho vở ballet này. Tuy nhiên, cô gái được lựa chọn phải có khả năng thể hiện được cả hai hình ảnh với hai nhân cách đối lập - Thiên nga trắng mong manh, thánh thiện và Thiên nga đen cám dỗ, xảo quyệt. Bộ phim là cuộc đấu tranh của Nina để hoàn thành vai diễn trong mơ của mình, cũng là cuộc hành trình của Nina để tìm thấy những phần khác trong tâm hồn mình. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Darren Aronofsky khai thác đề tài tâm lý học. Và cũng dễ hiểu khi Natalie Portman diễn xuất tuyệt vời như thế vì cô đã học chuyên ngành tâm lý học tại Havard và tốt nghiệp loại xuất sắc.
Trước hết nói về cái tên Black swan, tại sao trong bộ phim có 2 hình ảnh White Swan (Nina) và Black Swan (Lily) trong đó Nina mới là nhân vật chính mà tên phim lại đặt là Black swan? Có nhiều người đã thắc mắc như vậy. Thực ra, không nên đồng nhất Black Swan với Lily, Lily chỉ vô tình là một Black Swan trong tâm trí Nina mà thôi. Tất cả các nhân vật phụ trong phim chỉ là những hình ảnh phản chiếu trong tâm trí Nina được đưa lên màn ảnh để thấy được diễn biến tâm lý đầy phức tạp của cô.Có thể nói Black Swan chính là hình ảnh mà nhân vật chính tìm kiếm trong cuộc hành trình đạt đến sự hoàn hảo của mình.
Nếu nói theo cách của Freud thì hình ảnh White Swan là cái Tôi và hình ảnh Black Swan là cái Tôi Lý tưởng của Nina. Từ nhỏ cô sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ của một bà mẹ đầy tham vọng, cho nên mặc dù 28 tuổi nhưng Nina vẫn chưa thực sự trưởng thành, vẫ rất ngây thơ, trong sáng, mong manh và yếu đuối như một cô bé. Nhưng chính điều đó lại gây ra một trạng thái lệch lạc về tâm lý trong tâm hồn cô. Bên trong cô là những uẩn ức nhục cảm giằng xé muốn vùng lên, muốn thoát khỏi sự kiểm soát, muốn đạt đến tự do thực sự, là cái mà cô luôn nhắc đến trong bộ phim “đạt đến sự hoàn hảo”. Vì thế trong cô xuất hiện một hình ảnh về cái Tôi lý tưởng- cái Tôi mong ước của Nina, là hình ảnh mà cô luôn muốn mình trở thành để có thể đạt đến sự hoàn hảo. Điều này giải thích một số cảnh ở đoạn đầu phim, Nina thường thấy có những bóng người trông rất giống mình trên đường hay trên tàu điện ngầm đi lướt qua trước mặt cô. Thực ra đó chỉ là ảo giác, vì trong tâm trí cô luôn kiếm tìm một hình ảnh khác của bản thân- một cái Tôi lý tưởng. Freud nói rằng nếu một người có cái Tôi thực sự và cái Tôi lý tưởng càng gần nhau thì người đó càng hạnh phúc. Tức là khi người đó càng giống với hình tượng mà mình muốn trở thành, tâm lý họ càng thoải mái và gần như không có ranh giới giữa cái Tôi và cái Tôi lý tưởng. Nhưng ở Nina, hai cái Tôi quá xa cách nhau và cô luôn trong một tâm trạng đau khổ ( cô thường tự cào cấu mình mà không biết) , đặc biệt là khi cô đứng trước một thử thách lớn là phải hóa thân vào cả 2 vai trong vở Swan Lake. Có thể nói đây chính là vai diễn cuộc đời của cô, vì nó đã mở ra một hành trình để cô có cơ hội trở thành một người phụ nữ thực thụ, giải phóng những cảm xúc dồn nén bấy lâu nay.
Đúng lúc này, Lily xuất hiện, tự do, phóng khoáng, lả lơi và đầy gợi cảm- chính xác với những gì mà Nina mong muốn có được. Nếu ban đầu cái Tôi lý tưởng chỉ là những bóng người mờ nhạt thường lướt qua trước mặt Nina thì có thể nói lúc này cái Tôi lý tưởng của Nina đã trở thành một hình ảnh rõ nét hơn và gần như đồng nhất với Lily- đó là lý do vì sao Nina bị Lily thu hút đến như vậy. Freud gọi đây chính là quá trình “nhập nội đối tượng” , tức là cái Tôi lý tưởng của chủ thể nhập vào một cá thể khác. Giống như là khi người ta yêu một ai đó, ta sẽ cảm thấy người đó đích thực là hình ảnh mình vẫn hằng ao ước, là người trong mộng của mình vậy, khi đó cái Tôi lý tưởng cũng nhập vào đối tượng mà ta yêu. Dần dần đối tượng sẽ thay thế cái Tôi lý tưởng và điều khiển kiểm soát tâm trí ta ( khiến đôi khi con ng ta mù quáng và hi sinh thân mình cho đối tượng) dẫn đến sự "đồng nhất hóa" cái Tôi với đối tượng. Và giả sử khi tình yêu tan vỡ, đối tượng rời bỏ cái Tôi lý tưởng khiến cái Tôi lý tưởng giận dữ và phủ nhận đối tượng. Trong khi đó cái tôi đã đồng nhất hóa với đối tượng mất rồi. Thế nên gây ra sự mâu thuẫn trong chính chủ thể tạo ra hiện tượng trầm cảm. Những vụ trả thù tình đều từ đây mà ra, họ có thể vừa yêu vừa hận một người là vì thế. Ôi nói về cái này lan man quá, nói chung phân tích tình yêu theo quan điểm tâm lý học thì nhiều cái thú vị lắm, cơ mà quay lại với Black swan nào
Phải, cái Tôi lý tưởng của Nina nhập vào Lily nên mỗi khi nhìn Lily cô lại tưởng tượng ra hình ảnh của chính mình. Mức độ hoang tưởng của cô ngày một trầm trọng và bầu không khí thriller trong phim ngày một nặng thêm, làm khán giả không biết bao phen thót tim giật mình. Hình ảnh tấm gương được sử dụng hết sức hiệu quả để lột tả được những phản chiếu của tâm hồn Nina. Hình ảnh vết xước chảy máu cũng xuất hiện ngày một nhiều. Nó là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều trong các tác phẩm văn chương hậu hiện đại, thể hiện một sự chuyến biến, một sự méo mó vật lộn và đấu tranh trong tâm lý nhân vật.
Đỉnh điểm cao trào của bộ phim chính là cảnh sex đồng tính của Nina và Lily. Cảnh này phải nói là quá hot và quá nghệ thuật. Tại sao hot thì chả phải bàn vì ai xem cảnh này cũng thấy người mình get hotter and hotter Cơ mà vì sao nghệ thuật? Đây thực ra là một hình ảnh biểu tượng giàu tính ẩn dụ. Giải thích dựa theo góc độ tâm lý học thì nó chính là giây phút giao hoan giữa cái Tôi của Nina và cá thể Lily, tức là sau quá “trình nhập nội đối tượng” ở trên thì sẽ dẫn đến quá trình “đồng nhất hóa”, lúc này chính là thời khắc cái Tôi đã đồng nhất vào đối tượng. Nina đã tìm thấy cái phần bản thể bị giấu kín,bị kìm nén lâu nay dưởi bề ngoài một cô gái ngoan hiền, trong sáng trong một căn phòng toàn thú nhồi bông và những lời âu yếm nững nịu của mẹ. Cô đã sẵn sàng hóa thân vào một Thiên nga đen quyến rũ đầy nhục dục.
Trong các tác phẩm nghệ thuật, các tác giả thường dùng yếu tố sex để thể hiện tâm lý nhân vật, vì nó là cái thể hiện bản năng con người một cách rất rõ ràng, Freud cũng sử dụng thuật ngữ “libido tính dục” trong những lý thuyết của mình để giải thích về tâm lý con người, ông cho rằng ngay khi vừa sinh ra đứa trẻ đã nảy sinh mặc cảm oedipus có liên quan tới sex- tình dục. Trong bộ phim này, yếu tố sex được thể hiện khá thành công. Cảm thức sex trong Nina đã được Thomas đánh thức thông qua những hành vi tình dục khác giới, dần dần cảm thức sex trở thành một phần trong tâm hồn Nina, thể hiện qua giấc mơ tình dục đồng giới (lesbian) với Lily. Nó đánh dấu sự lột xác về mặt tâm lý của Nina thoát khỏi cái vỏ một cô bé. Tất nhiên có những tác phẩm thể hiện sex rất thô nhưng những cái đó thì chả đáng nói đến,chỉ cần xem là chúng ta có thể cảm được nó có phải là sex nghệ thuật hay ko.)
Từ đây ta biết được rằng đối thủ của Nina không phải là Lily hay ai khác, mà là chính cô, “chính cô mới là người ngáng đường mình” như lời Thomas nói với cô. Cô phải chiến thắng bản thân để có thể đạt đến sự hoàn hảo cô mong ước. Cô đã làm được, và để đạt được điều đó, Nina đã phải trả cái giá khá đắt. Nhiều người nhận xét bộ phim là sự đánh mất bản thân của một tâm hồn mong manh yếu đuối, nhưng phải chăng nó lại giống như là một sự tìm thấy bản thân, một sự hoàn thiện bản thân hơn? “You need to lose yourself to find it” . Có thể bạn không để ý, nhưng trong phim có đoạn khi Nina và Lily trong quán bar, một anh chàng bạn của Lily đã hỏi Nina về vở kịch Swan Lake và nói cái kết của vở kịch buồn quá, thì Nina đã trả lời rằng cô nghĩ đó là một cái kết đẹp. Đó phải chăng là cái kết đẹp cho Nina vì cô đã đạt đến sự hoàn hảo, sự giải phóng cho tâm hồn mình “I was perfect...”
Phải nói là perfect psychological thriller! Một classic thời hiện đại ý chứ.Toàn bộ những hình ảnh trong phim ko phải là sự phản ảnh khách quan của thực tại mà là sự phản ảnh chủ quan của tâm trí Nina. Giống như là chúng ta đem quay bộ não Nina và chiếu lên màn ảnh vậy, vì thế khán giả có cảm giác mơ mơ thực thực, ko phân biệt rõ lằn ranh giữa cái ảo và cái thực nữa. Mình có cảm giác tương tự như là đọc tiểu thuyết của Haruki Murakami, vừa đọc vừa choáng, ví dụ như đang trong cảnh làm tình nóng bỏng lại chuyển ngay sang một đoạn thoại trích dẫn lời triết gia Hegel với lại Berson… Cũng vậy, trong Black swan, sự pha trộn giữa những cảm xúc thăng hoa của nghệ thuật ballet và những cảm thức nhục dục khiến tâm trạng người xem đi từ thái cực này sang thái cực khác, cảm giác như cả tâm hồn và bản năng của mình đều được khuấy động. Bộ phim thuộc thể loại tâm lý ly kì này có thể xếp vào hàng những bộ phim kinh điển thời hiện đại bởi giá trị nhân bản của nó đã chiếm trọn tâm trí khán giả. Hình ảnh kết thúc phim để lại một nỗi ám ảnh, day dứt bên trong suy nghĩ của mỗi người xem. Nina đã thành công hay thất bại? Cô ấy là người chiến thắng hay trở thành kẻ thua cuộc của chính bản thân mình?... Đó là những câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp. Nhưng trên hết, cô đã chạm đến cái đích mà cô hằng ao ước, đó chính là sự hoàn hảo- hoàn hảo trong tâm hồn, hoàn hảo trong nghệ thuật. Cái Tôi và cái Tôi lý tưởng trong con người cô đã không còn ranh giới ngăn cách.
Diễn xuất của Nat quá tuyệt vời mà mình ko có từ nào để miêu tả nữa, cứ há hốc mồm mà xem thôi… Mà nói chung mình vô cùng bất bình với cái bọn diễn viễn đóng thế trong Black swan cả Your Highness đang lợi dụng danh tiếng của Nat để tố cáo này nọ nhằm PR cho bản thân mình. Diễn viên đóng thế là chuyện xưa như trái đất, phim nào mà chả có chứ, lấy chuyện đó ra để bảo là Nat lừa khán giả là một chuyện ko chấp nhận được.Thôi ko lan man chuyện vớ vẩn nữa, lời kết cho cái review này là một cảm xúc nhỏ dành cho riêng bản thân mình- một cô gái trẻ đang trong hành trình trở thành một người phụ nữ thực thụ: Khi nào mình sẽ thực sự cảm thấy hoàn hảo?
Diễn xuất của Nat quá tuyệt vời mà mình ko có từ nào để miêu tả nữa, cứ há hốc mồm mà xem thôi… Mà nói chung mình vô cùng bất bình với cái bọn diễn viễn đóng thế trong Black swan cả Your Highness đang lợi dụng danh tiếng của Nat để tố cáo này nọ nhằm PR cho bản thân mình. Diễn viên đóng thế là chuyện xưa như trái đất, phim nào mà chả có chứ, lấy chuyện đó ra để bảo là Nat lừa khán giả là một chuyện ko chấp nhận được.Thôi ko lan man chuyện vớ vẩn nữa, lời kết cho cái review này là một cảm xúc nhỏ dành cho riêng bản thân mình- một cô gái trẻ đang trong hành trình trở thành một người phụ nữ thực thụ: Khi nào mình sẽ thực sự cảm thấy hoàn hảo?
0 nhận xét:
Post a Comment