vilamwriter vilamwriter vilamwriter vilamwriter
1 2 3 4

Sunday 1 November 2015

Khi thấy khó sống, hãy xoay hệ quy chiếu




hôm nay tôi xem bản tin thời sự có đưa tin về việc hiện nay ở nhiều vùng ngoại thành rộ lên phong trào đua xe của thanh niên. tin tức chẳng có gì đặc biệt. như bao tin tức cướp của giết người, tha hóa đạo đức đầy rẫy trên truyền thông đại chúng ngày nay thôi mà. vậy nhắc đến làm gì? 

tôi chỉ chợt nảy lên cái suy nghĩ này mà thôi: tôi nghĩ đua xe thì cũng chẳng có gì gọi là phạm tội cho lắm, họ bị coi là tội phạm chẳng qua vì họ đã đua xe ngoài đường, còn bản chất việc đua xe thì không. thực ra ở các nước phát triển nó là một môn thể thao. chỉ tội nghiệp cho mấy cậu choai choai sinh nhầm chỗ - ở một nơi mà mọi lĩnh vực của đời sống (kinh tế, xã hội, thể thao, nghệ thuật, văn hóa) đều chưa đạt đến một trình độ phát triển toàn vẹn của nó. nếu ở một nơi có trường đua xe, hẳn các cậu đã có thể trở thành những anh hùng, có fan club đàng hoàng ấy chứ, thay vì những kẻ phạm tội. cho nên, cái khái niệm anh hùng - tội đồ chỉ cách nhau có gang tấc thôi, khi đặt nó ở những hệ quy chiếu khác nhau. cũng như mọi cặp khái niệm tốt-xấu, trắng-đen trên đời vậy.

cũng giống như nghề mại dâm. tại sao người ta khinh bỉ cái nghề này đến vậy? tôi thì không. họ có quyền đem cái khả năng tốt nhất của mình để trao đổi kiếm sống, có cầu thì có cung, giống như người nông dân đem đến khả năng trồng cấy, người giáo viên đem đến khả năng truyền dạy, người ca sĩ đem đến tiếng hát, người họa sĩ đem đến tài vẽ tranh, vậy thôi. tại sao nghề này được tôn vinh, nghề kia bị vùi dập? tại sao người hành nghề mại dâm bị coi như người phạm tội phải trốn trui lủi? trong khi ở nhiều nước khác nghề mại dâm đều được hợp pháp hóa như bao nghề nghiệp khác. tôi đã từng đến phố đèn đỏ ở Amsterdam, và cái ấn tượng mà nó để lại trong tôi thì thật ảo diệu, có phần classy nữa kìa, chứ chẳng hề có gì là hạ lưu như cách chúng ta nhìn về các cô gái làng chơi đâu. à, về cái câu hỏi tại sao ấy, lại phải nhắc lại cái nguyên do một lần nữa: khi cái văn minh xã hội vẫn chưa đạt đến độ toàn vẹn, dĩ nhiên văn hóa vẫn còn nhiều lệch lạc và thiếu bình đẳng khoan dung trong cách nhìn nhận.

tôi có nhớ trong phim Doctor Who, series yêu thích của tôi, cứ mỗi khi có người ngoài hành tinh xuất hiện, loài người (human) liền gọi họ là quái vật liền (monster). tức là, cứ quy theo cái hệ quy chiếu của họ, cứ không có hai mắt hai tay hai chân hoặc các bộ phận có phần lộn xộn không giống người-bình-thường là họ chụp cho từ đó ngay. và cái hành động ưa thích của loài người (theo nhận xét của Doctor) là chĩa súng tắp lự không cần suy xét gì cả. nhưng ngược lại, xét theo hệ quy chiếu của những người ngoài hành tinh kia thì cái giống con người này mới là loài kì dị. Thế nên là cứ xảy ra chiến tranh đánh nhau liên miên hoài hoài. thực chất, cái óc nhị nguyên luôn phân biệt tốt xấu đen trắng rõ rệt khiến chúng ta luôn sân hận, cảm thấy cả cuộc đời như chống lại mình. nhưng thực ra không có gì tốt hoàn toàn, cũng không có gì xấu hoàn toàn. mỗi một sinh vật trong vũ trụ đều đang đấu tranh sinh tồn để bảo vệ lợi ích (mà nó cho là) chính đáng của mình. khi quan sát một sinh vật như thế, qua một hệ quy chiếu này sẽ thấy nó tốt, qua hệ quy chiếu khác sẽ thấy nó xấu. cái hệ quy chiếu khác nhau là do môi trường khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. tất cả chỉ là tương đối.

nếu nhìn mọi vật một cách đa chiều như thế, sẽ hiểu được cái gì cũng có lý của nó, mọi việc xảy ra ở đời đều có thể chấp nhận được. an nhiên. thanh thản. chỉ cần xoay hệ quy chiếu của mình lại một chút là được thôi.


0 nhận xét:

Post a Comment